Đó là một cuộc phỏng vấn đáng nhớ đối với tôi. Vị trí mà tôi ứng tuyển là trợ lý Luật sư. Cuộc phỏng vấn không diễn ra tại Công ty hay Văn phòng mà tôi được mời đến một quán café khu vực Bình Thạnh, vị Luật sư trực tiếp phỏng vấn tôi ăn mặc khá giản dị, đời thường. Sau khi hỏi một số thông tin cơ bản, ông đưa ra cho tôi 03 tình huống như sau:
1. Một người cha nói với con trai: “con ráng học bài, chỉ cần thi không dưới 5 điểm là không bị phạt”. Vài ngày sau, người con đem về bài kiểm tra 5 điểm, người cha than vãn: “Học hành thế này, ba phải phạt con thì con mới chịu cố gắng!”. Người con chống chế: “Bài thi của con đâu dưới 5 điểm, sao ba lại phạt con?”. Nếu bạn là Thẩm phán, bạn xử ai thắng?
2. Người chồng chở vợ đi chợ, cô vợ muốn mua trái cây cho chồng ăn, liền hỏi: “anh muốn ăn trái cây gì để em mua?”. Người chồng trả lời: “Em mua trái gì cũng được, miễn không phải là cam và xoài”. Người vợ vô chợ, một lúc sau đi ra, trên tay xách một bịch chôm chôm. Người chồng vừa nhìn đã cau mày cằn nhằn: “Sao em lại mua chôm chôm, làm sao mà anh ăn được!”. Cô vợ cũng nói giọng khó chịu: “Chôm chôm có phải cam hay xoài không vậy chồng?”. Nếu bạn là Thẩm phán, bạn xử ai thắng?
3. Ông A cho ông B thuê nhà, trong nội dung hợp đồng thuê có quy định: “không được dùng ngôi nhà này kinh doanh những hàng hóa, dịch vụ mà pháp luật cấm”. Hợp đồng thực hiện được một thời gian, ông B cho ông C thuê lại căn nhà của ông A. Ông A biết được liền nổi giận, đòi kiện ông B ra tòa. Ông B biện luận: “Pháp luật đâu có cấm cho thuê lại nhà?”. Nếu bạn là Thẩm phán, bạn xử ai thắng?
Tôi trả lời lần lượt rằng: “Nếu tôi là Thẩm phán, tôi xử cho người con, người vợ và ông B thắng.”
Vị luật sư nghe xong câu trả lời của tôi chỉ mỉm cười rồi nói: “Vậy mà trên thực tế, theo tôi khảo sát kinh nghiệm của nhiều luật sư thì Thẩm phán lại xử theo hướng trái ngược hoàn toàn với câu trả lời của bạn. Về nhà suy nghĩ lại nhé!”.
Còn câu trả lời của các bạn thì sao???