Gần đây xuất hiện trên mạng xã hội chiêu thức lừa đảo mới “đọc sách mỗi ngày để nhận lương”. Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đây là hình thức lừa đảo online mới, biến tướng từ hình thức “việc nhẹ lương cao”.
(1) Giả danh đơn vị phát hành sách để tuyển dụng
Các chuyên gia của Cục An toàn thông tin chia sẻ, những ngày gần đây đã xuất hiện nhiều đối tượng giả mạo sử dụng tên, hình ảnh, văn bản hay công văn của 1980Books để đăng tải tin tuyển dụng độc giả đọc sách tại nhà qua các nền tảng mạng xã hội với mục đích lừa đảo để chiếm đoạt tiền với hình thức lừa đảo tinh vi.
Theo đó, những người quan tâm sẽ được gửi những hợp đồng, thỏa thuận lương, thưởng có chữ ký và con dấu giả của 1980Books. Đối tượng giả mạo này có tổ chức, khi lập ra hệ thống Website/Landing page, Facebook, sử dụng thông tin của 1980Books, chỉ thay đổi số điện thoại, địa chỉ, con dấu và chữ ký giả.
(Các đối tượng giả dạng 1980Books để lừa đảo - Nguồn: Công an TP.HCM)
(2) Cách thức lừa đảo
Nạn nhân sau khi đã sập bẫy sẽ được đối tượng thêm vào các nhóm trên ứng dụng Telegram để thực hiện nhiệm vụ “đọc sách mỗi ngày để nhận lương”.
Tại đây, để được nhận công việc, các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân phải nạp tiền và số tiền này sẽ được hoàn trả lại khi hoàn thành công việc. Ban đầu, hệ thống thường sẽ hoạt động rất trơn tru. Cho đến khi người dùng nạp vào số tiền lớn thì hệ thống sẽ báo lỗi và yêu cầu phải đóng thêm tiền để sửa lỗi và hoàn tiền về ví điện tử. Cuối cùng, số tiền này sẽ không bao giờ được hoàn lại, những đối tượng lừa đảo sẽ xoá toàn bộ tài khoản liên hệ.
(3) Khuyến cáo từ Cục An toàn thông tin
Để phòng tránh bị lừa đảo bởi hình thức trên, các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên chủ quan khi gặp các trường hợp và hành vi không minh bạch trên mạng xã hội. Đồng thời, tuyệt đối không nên làm theo yêu cầu tạm ứng trước tiền và không quá tin tưởng vào những đề nghị quá hấp dẫn và những công việc dễ dàng, không quan trọng trình độ hay kỹ năng.
Bên cạnh đó, người dân cũng đặc biệt lưu ý không được cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay mã OTP cho bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào. Cục An toàn thông tin cho biết thủ đoạn này tuy không mới nhưng các đối tượng luôn thay đổi hình thức để nhắm vào các nạn nhân mới.
Theo đó, để chủ động trong công tác phòng ngừa tội phạm, lực lượng Công an cũng đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn lừa đảo, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Bên cạnh đó, khi tìm kiếm việc làm, cũng nên kiểm tra các thông tin của đơn vị tuyển dụng từ nhiều nguồn khác nhau để xác minh tính chính xác. Trường hợp nếu phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, khẩn trương báo cho cơ quan Công an để xác minh, ngăn chặn cũng như xử lý các đối tượng kịp thời.