Hiện nay, ngày càng có nhiều người hướng đến các hoạt động thiện nguyện. Nhưng việc làm từ thiện như thế nào là đúng người, đúng cách, đúng quy định, mời các bạn tham khảo nội dung dưới đây.
“Của cho không bằng cách cho” nghĩa là gì?
Hoạt động từ thiện là tinh thần đáng quý, thể hiện đẹp tinh thần “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên làm từ thiện thế nào lại không hề đơn giản, rất cần ứng xử văn hóa, thể hiện sự chân thành, tế nhị của người cho, người nhận.
Ông bà ta có câu “Của cho không bằng cách cho”, có thể hiểu ý nghĩa của nó là cách cho đi và giúp đỡ người khác, mang lại giá trị cho người khác mà làm cho người nhận cảm thấy được tôn trọng, được chia sẻ và không cảm thấy mình đang bị thương hại.
“Của cho” là điều rất đáng quý, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ đối với những người còn khó khăn, vất vả, hoàn cảnh đáng thương. Nhưng lớn hơn rất nhiều đó là “cách cho” để làm sao người được nhận hỗ trợ, nhận quà cảm nhận được tấm lòng, tình cảm thiết thực.
“Cách cho” còn thể hiện sự thấu đáo của người cho, nghĩa là trước khi có những nghĩa cử ấy là đã tìm hiểu kỹ hoàn cảnh, đối tượng, nhu cầu của người nhận khi đó “của cho” mới phát huy hết giá trị được gửi gắm trong đó.
Tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện thế nào?
Theo Điều 4 Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định về tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện như sau:
- Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện và tổ chức vận động đóng góp tự nguyện; phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ người dân chịu thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh, sự cố hoặc người dân mắc bệnh hiểm nghèo nhằm sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.
- Vận động đóng góp để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố được thực hiện khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố gây ra thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân; vận động đóng góp để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thực hiện theo từng trường hợp cụ thể.
- Vận động đóng góp phải đảm bảo kịp thời và được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện; các tổ chức, cá nhân không được phép đặt ra mức tối thiểu để yêu cầu phải đóng góp; các khoản đóng góp tự nguyện phải từ thu nhập, tài sản hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thực hiện đóng góp.
- Tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công bằng, công khai, đúng mục đích, đối tượng; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan.
- Kinh phí phục vụ cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định tại Nghị định 93/2021/NĐ-CP.
Ai được kêu gọi từ thiện theo quy định pháp luật?
Theo đó tại Điều 2 Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện. Cụ thể, những tổ chức, cá nhân được kêu gọi từ thiện bao gồm:
(1) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi, vận động; Ban Vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện (là tổ chức do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thành lập - sau đây gọi là Ban Vận động) tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố;
(2) Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố;
(3) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi được Ủy ban nhân dân cấp huyện ủy quyền theo quy định của pháp luật;
(4) Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai vận động, tiếp nhận đóng góp tự nguyện từ quốc tế trong các tình huống khẩn cấp về thiên tai;
(5) Các cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế vận động, tiếp nhận và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;
(6) Các quỹ từ thiện quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;
(7) Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;
(8) Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Như vậy, các cá nhân, tổ chức trên có thể kêu gọi từ thiện. Nếu tổ chức, cá nhân có mong muốn đóng góp vào các quỹ thiện nguyện thì cần biết ai được kêu gọi từ thiện, việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện thế nào để việc trao đi giá trị được đúng người, giúp đỡ đúng hoàn cảnh, đồng thời việc tổ chức tự thiện cũng sẽ không bị người khác lợi dụng để trục lợi.
Và cá nhân, tổ chức làm từ thiện cũng cần hiểu "của cho không bằng cách cho", để không làm mất ý nghĩa ban đầu của hoạt động thiện nguyện.