Đây là câu hỏi khá phổ biến, đặc biệt là với những người không phải là dân luật, hoặc là những bạn sinh viên mới học Luật chưa tìm hiểu nhiều. Để giải đáp cho câu hỏi này, mình xin phép trả lời từng câu hỏi nhỏ theo trình tự như sau.
1. Người bào chữa là ai?
Theo Khoản 2 Điều 72 Bộ luật TTHS 2015 thì người bào chữa có thể là:
- Luật sư;
- Người đại diện của người bị buộc tội;
- Bào chữa viên nhân dân;
- Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Như vậy, để được cấp Giấy chứng nhận người bào chữa thì buộc lòng phải là 01 trong 04 đối tượng kể trên.
2. Trình độ Cử nhân Luật có thể là người bào chữa trong phiên tòa hình sự không?
Câu trả lời là CÓ THỂ, nhưng rất hạn chế. Bởi nếu với trình độ là Cử nhân luật thì bạn chỉ có thể rơi vào đối tượng là “người đại diện” của người bị buộc tội.
Mà đại diện của người bị buộc tội là ai?
Theo Điều 136 Bộ luật dân sự 2015 thì người đại diện của cá nhân là cha, mẹ đối với con chưa thành niên, người giám hộ đối với người được giám hộ, người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định hoặc người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện.
Tại sao không phải là đại diện theo ủy quyền mà buộc phải là đại diện theo pháp luật mới được bào chữa?
Câu trả lời là Luật không quy định. Về quyền của bị can, bị cáo vấn đề này được quy định tại Điều 60 61 Bộ luật TTHS 2015, theo đó bị can, bị cáo chỉ được quyền tự bào chữa hoặc NHỜ người khác bào chữa. Luật không quy định về việc bị can, bị cáo được quyền ủy quyền lại quyền bào chữa cho người khác.
=> Chính vì vậy, nguời đại diện của bị can, bị cáo trong Tố tụng hình sự không thể là đại diện theo ủy quyền.
Như vậy, câu trả lời cuối cùng là trong tố tụng hình sự, nguời có trình độ Cử nhân luật (hay bất cứ trình độ nào khác) có quyền được bào chữa nếu là người đại diện cho bị can, bị cáo.