CÔNG VĂN CÓ PHẢI NGUỒN CỦA PHÁP LUẬT?

Chủ đề   RSS   
  • #468648 25/09/2017

    CÔNG VĂN CÓ PHẢI NGUỒN CỦA PHÁP LUẬT?

    Nguồn của pháp luật là tất cả các căn cứ được các chủ thể có thẩm quyền sử dụng làm cơ sở để xây dựng, ban hành, giải thích pháp luật cũng như để áp dụng vào việc giải quyết các vụ việc pháp lý xảy ra trong thực tế. Vậy Công văn, hay văn bản hành chính có phải nguồn của pháp luật? 

    Đầu tiên, chúng ta xác định Pháp luật Việt Nam có một số loại nguồn như sau:

    1. Đường lối, chính sách của Đảng

    Đường lối, chính sách của Đảng được coi là nguồn không trực tiếp của pháp luật bởi vì chúng định ra mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong một giai đoạn nhất định cũng như những phương pháp, cách thức cơ bản để thực hiện. Từ đó được Nhà nước thể chế hoá thành Hiến pháp, luật và các văn bản dưới luật đồng thời tổ chức thực hiện trong thực tế. 

    2. Nhu cầu quản lý kinh tế – xã hội của đất nước

    Trong quá trình xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa, các quan hệ kinh tế-xã hội liên tục hình thành và mất đi. Vì vậy, để quản lý tốt các quan hệ này, Nhà nước phải ban hành các quy định pháp luật cụ thể phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Từ đó điều chỉnh các quan hệ theo chiều hướng mà Nhà nước mong muốn, vừa thúc đẩy sự tăng trưởng, vừa bảo đảm sự cân đối và ổn định của nền kinh tế – xã hội.

    3. Các tư tưởng, học thuyết pháp lý

    Trên cơ sở sự kế thừa tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật; tư tưởng chủ quyền nhân dân; tư tưởng nhà nước pháp quyền và tiếp nhận các yếu tố hợp lý của học thuyết phân chia quyền lực nhà nước... mà Nhà nước ta đã xây dựng nên các nguyên tắc cơ bản cho các văn bản pháp luật.

    4. Văn bản quy phạm pháp luật

    Đây là loại nguồn hình thức chủ yếu, cơ bản và quan trọng nhất của pháp luật, bởi lẽ, các cơ quan nhà nước ở Việt Nam khi giải quyết các vụ việc pháp lý thực tế thuộc thẩm quyền của mình đều chủ yếu dựa vào các VBQPPL. VBQPPL ở nước ta bao gồm nhiều loại với giá trị pháp lý cao, thấp khác nhau. Đứng đầu thang bậc giá trị pháp lý trong hệ thống VBQPPL là Hiến pháp, đạo luật gốc, luật cơ bản của Nhà nước. Tiếp đó là các đạo luật và các nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội,…

    5. Các điều ước quốc tế

    Các điều ước quốc tế do Việt Nam ký kết, phê chuẩn hoặc gia nhập có giá trị ràng buộc Việt Nam phải tuân thủ. Từ đó, các văn bản quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành cũng không được trái với quy định của những Điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.

    6. Phong tục tập quán

    Các phong tục tập quán tốt đẹp của Việt Nam cũng được các nhà làm luật coi trọng và được quy định thành các nguyên tắc của luật. Do đó, cũng có thể xem nhưng phong tục tập quán này là nguồn bất thành văn của pháp luật.

    7. Án lệ hay các quyết định, bản án của tòa án

    Ở Việt Nam, án lệ chỉ mới được áp dụng từ ngày 01/6/2016 theo Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP nhưng cũng là một nguồn có giá trị của pháp luật. Bởi vì có rất nhiều trường hợp pháp luật chưa quy định nhưng đã phát sinh trên thực tế, nên thông qua việc xét xử của Tòa án mà hình thành nên nhiều định hướng xét xử.

     

    Vậy Công văn có phải nguồn của pháp luật không? Về tính chất, văn bản hành chính là văn bản do chủ thể quản lý nhà nước ban hành nhằm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật hoặc giải quyết một công việc cụ thể. Cho nên, Văn bản hành chính có nhiệm vụ thực hiện văn bản quy phạm pháp luật nên sẽ không thể trở thành nguồn của văn bản quy phạm pháp luật được.

    Cập nhật bởi PhamCina ngày 25/09/2017 10:01:42 SA Cập nhật bởi PhamCina ngày 25/09/2017 10:00:53 SA Cập nhật bởi PhamCina ngày 25/09/2017 09:58:23 SA
     
    9201 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận