Công ty nước ngoài mở chi nhánh tại Việt Nam để mua bán hàng hóa được không? Hay bắt buộc phải mở công ty con để kinh doanh? Cụ thể qua bài viết sau đây.
Công ty nước ngoài là công ty như thế nào?
Theo Điều 16 Luật thương mại 2005 quy định về thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam như sau:
- Thương nhân nước ngoài là thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được pháp luật nước ngoài công nhận.
- Thương nhân nước ngoài được đặt Văn phòng đại diện, Chi nhánh tại Việt Nam; thành lập tại Việt Nam doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo các hình thức do pháp luật Việt Nam quy định.
- Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thương nhân nước ngoài thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì được coi là thương nhân Việt Nam.
Trong đó, theo khoản 6, khoản 7 Điều 3 Luật thương mại 2005 quy định:
Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập và hoạt động thương mại tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Như vậy, công ty nước ngoài (thương nhân nước ngoài) là công ty được thành lập theo pháp luật nước ngoài và có thể mở văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Công ty nước ngoài có được mở chi nhánh tại Việt Nam để mua bán hàng hoá không?
Theo Điều 19 Luật thương mại 2005 quy định về quyền của Chi nhánh công ty nước ngoài, trong đó có:
Thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động thương mại khác phù hợp với giấy phép thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Đồng thời, tại Điều 31 Nghị định 07/2017/NĐ-CP quy định nội dung hoạt động của Chi nhánh như sau:
- Chi nhánh hoạt động cung ứng dịch vụ trong các ngành dịch vụ, không bao gồm ngành dịch vụ mà việc thành lập Chi nhánh trong lĩnh vực đó được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.
- Trường hợp Chi nhánh hoạt động trong các ngành, nghề mà pháp luật quy định phải có điều kiện thì Chi nhánh chỉ được hoạt động khi đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Như vậy, công ty nước ngoài vẫn được mở chi nhánh tại Việt Nam để mua bán hàng hoá phù hợp với giấy phép thành lập chi nhánh mà không cần mở công ty con. Nếu ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì phải đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Khi nào chi nhánh công ty nước ngoài sẽ chấm dứt hoạt động?
Theo Điều 35 Nghị định 07/2017/NĐ-CP quy định các trường hợp chấm dứt hoạt động Chi nhánh công ty nước ngoài như sau:
- Theo đề nghị của thương nhân nước ngoài.
- Khi thương nhân nước ngoài chấm dứt hoạt động theo pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi thương nhân đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh.
- Hết thời hạn hoạt động theo Giấy phép thành lập Chi nhánh mà thương nhân nước ngoài không đề nghị gia hạn.
- Hết thời gian hoạt động theo Giấy phép thành lập Chi nhánh mà không được Cơ quan cấp Giấy phép đồng ý gia hạn.
- Bị thu hồi Giấy phép thành lập Chi nhánh theo quy định.
- Thương nhân nước ngoài, Chi nhánh không còn đáp ứng một trong những điều kiện cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh theo quy định.
Như vậy, nếu chi nhánh công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam mà thuộc một trong những trường hợp trên thì sẽ chấm dứt hoạt động tại Việt Nam.