Về vấn đề của bạn thì đặt trường hợp khi công ty thực hiện thủ tục phá sản và được tòa án giải quyết thì nghĩa vụ tài sản của công ty đối với các khoản nợ sẽ được Thẩm phán ra quyết định phân chia theo thứ tự quy định tại Khoản 1 Điều 54 Luật Phá sản 2014 như sau:
Điều 54. Thứ tự phân chia tài sản
1. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:
a) Chi phí phá sản;
b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Theo đó, lương, bảo hiểm của người lao động được ưu tiên thanh toán thứ 2 sau chi phí phá sản. Do đó, khi doanh nghiệp phá sản thì chế độ lương, bảo hiểm của người lao động (cụ thể là bạn) sẽ được ưu tiên đảm bảo, trường hợp doanh nghiệp không đủ tiền thanh toán cho tất cả người lao động thì các đối tượng cùng hàng này sẽ được chia đều khoản tiền còn lại của doanh nghiệp, trường hợp doanh nghiệp không còn tiền thì người lao động sẽ không nhận được tiền lương.
Riêng đối với hoạt động mua vật tư cho công ty, việc công ty yêu cầu lập hợp đồng sẽ khiến nghĩa vụ chi trả thuộc hàng chi trả ở Điểm d nêu trên. Lúc này, nếu nguồn tiền chi trả ở các hàng trước đó đã chi hết (Điểm a, b, c) thì phần này của người lao động sẽ không được chi trả. Do đó, để đảm bảo quyền lợi thì người lao động nên yêu cầu công ty chi trả/thanh toán chi phí mua vật tư trước khi công ty làm thủ tục phá sản.