1. Xuất khẩu tại chỗ là gì?
Tại khoản 3 Điều 182 Luật Thương mại 2005 quy định như sau:
“Điều 182. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công
...
3. Trường hợp nhận gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, bên nhận gia công được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu theo uỷ quyền của bên đặt gia công.”
Theo đó, xuất khẩu tại chỗ được chỉ cho các trường hợp mà các doanh nghiệp tại Việt Nam sản xuất hàng hóa trong nước bán cho thương nhân nước ngoài, nhưng giao hàng cho một doanh nghiệp khác tại Việt Nam theo chỉ định của thương nhân nước ngoài.
2. Điều kiện để bên gia công xuất khẩu tại chỗ
Thêm vào đó, tại khoản 3 Điều 42 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định:
“Điều 42. Quyền, nghĩa vụ của bên đặt và nhận gia công
3. Điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc; thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu quy định tại Điểm e Khoản 1 và Điểm e Khoản 2 Điều này được quy định như sau:
a) Phải tuân thủ quy định về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
b) Phải có hợp đồng mua bán ký giữa thương nhân nước ngoài hoặc người được ủy quyền hợp pháp của thương nhân nước ngoài với thương nhân nhập khẩu.”
Như vậy, công ty có thể bán hàng hóa cho một công ty khác ở Việt Nam (xuất khẩu tại chỗ) nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có hợp đồng mua bán ký giữa công ty đặt gia công ở nước ngoài với công ty nhập khẩu (cụ thể là công ty tại Việt Nam có nhu cầu mua sản phẩm gia công trực tiếp tại công ty anh/chị – tạm gọi là bên thứ ba tại Việt nam).
- Có văn bản ủy nhiệm của công ty đặt gia công cho công ty anh/chị thay mình xuất khẩu hàng hóa cho bên thứ ba tại Việt Nam.
- Tuân thủ các quy định về quản lý xuất khẩu hàng hóa, về thuế và các nghĩa vụ tài chính tài chính khác theo quy định của pháp luật.