Vận tải đường sắt có vai trò quan trọng trong lưu thông và tạo giá trị cạnh tranh trong nền kinh tế mà theo đó Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là đơn vị tiên phong phát triển đường sắt Việt Nam theo hướng hiện đại hóa.
Công ty Đường sắt Việt Nam có quyền gì về tài chính?
Căn cứ Điều 12 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ban hành theo Nghị định 175/2013/NĐ-CP quy định Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có các quyền sau về tài chính:
1. Huy động vốn để kinh doanh dưới hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp; vay vốn của tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính khác, của cá nhân, tổ chức ngoài doanh nghiệp; vay vốn của người lao động và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật.
Việc huy động vốn để kinh doanh thực hiện theo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm hoàn trả, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn huy động, không được làm thay đổi hình thức sở hữu Đường sắt Việt Nam. Trường hợp Đường sắt Việt Nam huy động vốn để chuyển đổi sở hữu phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Việc vay vốn nước ngoài phải được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương và Bộ Tài chính thẩm định, chấp thuận.
3. Chủ động sử dụng vốn cho hoạt động kinh doanh của Đường sắt Việt Nam; quản lý và sử dụng các quỹ của Đường sắt Việt Nam theo quy định của pháp luật.
4. Quyết định trích khấu hao tài sản cố định theo nguyên tắc mức trích khấu hao tối thiểu phải bảo đảm bù đắp hao mòn hữu hình, hao mòn vô hình của tài sản cố định và không thấp hơn tỷ lệ trích khấu hao tối thiểu do Bộ Tài chính quy định.
5. Được hưởng các chế độ trợ cấp, trợ giá hoặc các chế độ ưu đãi khác của Nhà nước khi thực hiện các nhiệm vụ hoạt động công ích, quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo chính sách giá của Nhà nước không đủ bù đắp chi phí sản xuất sản phẩm, dịch vụ này của Đường sắt Việt Nam.
6. Được chi thưởng sáng kiến đổi mới, cải tiến kỹ thuật, quản lý và công nghệ; thưởng tăng năng suất lao động; thưởng tiết kiệm vật tư, nhiên liệu và chi phí theo quy định của pháp luật.
7. Được hưởng các chế độ ưu đãi đầu tư, tái đầu tư theo quy định của pháp luật; thực hiện quyền chủ sở hữu đối với phần vốn đã đầu tư vào công ty con và các doanh nghiệp khác.
8. Không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn vào các công ty con và doanh nghiệp khác nếu các công ty con và doanh nghiệp này đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trước khi chia lãi cho các bên góp vốn và không bị các hình thức đánh thuế trùng (hai lần) và gộp khác.
9. Từ chối và tố cáo mọi yêu cầu cung cấp các nguồn lực không được pháp luật quy định của bất kỳ cá nhân, cơ quan hay tổ chức nào, trừ những khoản tự nguyện đóng góp vì mục đích nhân đạo và công ích.
10. Được bảo lãnh, thế chấp và tín chấp cho công ty con vay vốn của các tổ chức tín dụng, ngân hàng ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
11. Được thành lập các quỹ tài chính tập trung, bao gồm cả các quỹ để thực hiện các nhiệm vụ đặc thù trong lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh chính theo quy định của pháp luật có liên quan. Việc thành lập và sử dụng các quỹ này được quy định tại Quy chế quản lý tài chính của Đường sắt Việt Nam.
12. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, chuyển lỗ theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật, trích lập quỹ dự phòng tài chính, phần lợi nhuận thực hiện còn lại được phân chia và sử dụng theo quy định của pháp luật. Trường hợp Đường sắt Việt Nam còn nợ đến hạn phải trả mà chưa trả hết thì chỉ được tăng lương, trích thưởng cho công nhân viên của Đường sắt Việt Nam, kể cả người quản lý sau khi đã trả hết nợ đến hạn.
13. Chuyển nhượng, thanh lý, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản thuộc quyền của Đường sắt Việt Nam trên nguyên tắc bảo toàn, phát triển vốn và theo quy định của pháp luật.
14. Thực hiện các quyền khác về tài chính theo quy định của pháp luật.
Công ty Đường sắt Việt Nam có phải doanh nghiệp nhà nước không?
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 1 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ban hành theo Nghị định 175/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 69/2015/NĐ-CP quy định Tổng công ty Đường sắt Việt Nam" là công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, được chuyển đổi từ công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo Quyết định 973/QĐ-TTg năm 2010.
Như vậy, Công ty Đường sắt Việt Nam không còn là doanh nghiệp nhà nước mà được tổ chức theo loại hình công ty TNHH một thành viên (do Nhà nước làm chủ sở hữu) và hoạt động phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp.