Công trình xây dựng khẩn cấp thông thường là các công trình được xây dựng mới hoặc là sửa chữa các công trình cũ nhằm mục đích giải quyết các vấn đề cấp thiết của xã hội, đất nước. Vậy thì theo quy định pháp luật thì công trình xây dựng khẩn cấp là gì?
1. Công trình xây dựng khẩn cấp là gì?
Luật Xây dựng cũng như các văn bản khác có liên quan không có định nghĩa thế nào là công trình xây dựng khẩn cấp. Tuy theo khoản 1 Điều 130 Luật Xây dựng 2014, được sửa đổi bởi khoản 48 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có quy định về các công trình xây dựng khẩn cấp, thì có thể hiểu những công trình xây dựng sau đây được xem là công trình xây dựng khẩn cấp theo quy định pháp luật, cụ thể gồm:
(1) Công trình được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, các nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại theo quyết định của cấp có thẩm quyền;
(2) Công trình được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo phải thực hiện nhanh để kịp thời đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề bức thiết về bảo đảm an ninh năng lượng, nguồn nước, ứng phó sự cố môi trường, phát triển hệ thống công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, công trình xây dựng khẩn cấp thường sẽ là những công trình xây dựng nhằm mục đích kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, các nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại hoặc là để kịp thời giải quyết các vấn đề bức thiết về bảo đảm an ninh năng lượng, nguồn nước, ứng phó sự cố môi trường, phát triển hệ thống công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật.
2. Nhà nước quyết định xây dựng công trình khẩn cấp đúng không?
Như có đề cập ở trên thì những công trình xây dựng khẩn cấp này được xây dựng quyết định của cấp có thẩm quyền (1) hoặc do Thủ tướng Chính phủ quyết định (2).
Cụ thể hơn thì khoản 2 Điều 130 Luật Xây dựng 2014, được sửa đổi bởi khoản 48 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 cũng có quy định:
Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền quyết định việc xây dựng đối với công trình (1) thuộc phạm vi quản lý. Người được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng để tổ chức thực hiện xây dựng công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đối với công trình xây dựng khẩn cấp sử dụng vốn đầu tư công, trình tự, thủ tục quyết định đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ quyết định các cơ chế đặc thù đối với từng công trình (2) bao gồm khảo sát, thiết kế xây dựng công trình; hình thức lựa chọn nhà thầu và các cơ chế đặc thù khác theo thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đầu tư xây dựng. Người được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình có trách nhiệm tổ chức thực hiện các cơ chế đặc thù theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và triển khai các công việc liên quan khác đến quá trình đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật có liên quan.
Như vậy, việc xây dựng công trình khẩn cấp sẽ do Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định theo như quy định trên.
Ngoài ra, sau khi kết thúc thi công xây dựng công trình khẩn cấp, người được giao xây dựng công trình khẩn cấp phải thực hiện các công việc sau:
+ Kiểm tra, đánh giá lại chất lượng công trình đã được xây dựng và thực hiện bảo hành công trình;
+ Hoàn thiện hồ sơ hoàn thành công trình và lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật về xây dựng;
+ Quyết toán công trình theo quy định của pháp luật.
Người được giao quản lý sử dụng công trình phải lập kế hoạch quản lý sử dụng công trình hoặc phá dỡ công trình để hoàn trả lại mặt bằng nếu công trình xây dựng khẩn cấp không phù hợp với quy hoạch xây dựng theo quy định của Luật này.