Công trình phụ trợ là gì? Công trình phụ trợ có phải là công trình tôn giáo không?

Chủ đề   RSS   
  • #610515 12/04/2024

    jellannm
    Top 50
    Female
    Lớp 8

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:04/03/2019
    Tổng số bài viết (1358)
    Số điểm: 11337
    Cảm ơn: 17
    Được cảm ơn 200 lần


    Công trình phụ trợ là gì? Công trình phụ trợ có phải là công trình tôn giáo không?

    Công trình phụ trợ là gì? Công trình phụ trợ có được xem là công trình tôn giáo không? Công trình phụ trợ của công trình tôn giáo có được miễn giấy phép xây dựng không?

    Công trình phụ trợ là gì? Công trình phụ trợ có được xem là công trình tôn giáo không?

    Theo Điều 3 Nghị định 95/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định về giải thích từ ngữ như sau:

    - Công trình tín ngưỡng là công trình xây dựng theo quy định của pháp luật do:

    + Cộng đồng dân cư đầu tư xây dựng để làm cơ sở tín ngưỡng;

    + Cộng đồng dân cư đầu tư xây dựng để làm tượng đài, bia và tháp thuộc cơ sở tín ngưỡng;

    + Dòng họ đầu tư xây dựng để làm nhà thờ dòng họ.

    - Công trình tôn giáo là công trình xây dựng theo quy định của pháp luật do:

    + Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đầu tư xây dựng để làm cơ sở tôn giáo;

    + Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đầu tư xây dựng để làm tượng đài, bia và tháp thuộc cơ sở tôn giáo.

    - Công trình phụ trợ là công trình xây dựng không sử dụng cho việc thờ tự của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo gồm nhà ở, nhà khách, nhà ăn, nhà bếp, tường rào và các công trình tương tự khác trong khuôn viên cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

    => Như vậy có thể thấy công trình phụ trợ khác với công trình tôn giáo, công tín ngưỡng.

    Công trình phụ trợ của công trình tôn giáo có được miễn giấy phép xây dựng không?

    Theo Khoản 2 Điều 58 Luật tín ngưỡng tôn giáo 2016 việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo thực hiện như quy định của pháp luật về xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa, cách mạng.

    Tại Thông tư 06/2021/TT-BXD quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành hướng dẫn xác định công trình cấp III với mọi quy mô chỉ áp dụng đối với công trình tôn giáo. Mà công trình phụ trợ không phải là công trình tôn giáo nên không xác định mặc nhiên là công trình cấp III.

    Do đó, để xác định được công trình phụ trợ có được miễn giấy phép xây dựng hay không thì cần xác định cụ thể công trình phụ trợ này là gì (là nhà ở, tường rào hay công trình nào khác) và xác định cấp công trình tương ứng, nếu rơi vào trường hợp tại Khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng 2014 (sửa đổi 2020) thì sẽ được miễn giấy phép xây dựng.

    Theo Khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng 2014 (sửa đổi 2020) các trường hợp sau sẽ được miễn giấy phép xây dựng:

    (1) Công trình bí mật nhà nước; công trình xây dựng khẩn cấp;

    (2) Công trình thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư xây dựng;

    (3) Công trình xây dựng tạm theo quy định tại Điều 131 của Luật xây dựng 2014;

    (4) Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường;

    (5) Công trình quảng cáo không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quảng cáo; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định của Chính phủ;

    (6) Công trình xây dựng nằm trên địa bàn hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

    (7) Công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật xây dựng 2014;

    (8) Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

    (9) Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa;

    Chủ đầu tư xây dựng công trình (2), (6), (7), 8) và (9) nêu trên, trừ nhà ở riêng lẻ quy định tại điểm i khoản này có trách nhiệm gửi thông báo thời điểm khởi công xây dựng, hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương để quản lý.

    Hi vọng thông tin trên hữu ích đối với bạn!

     

     

     
    1926 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận