Chào bạn, cám ơn câu hỏi của bạn.
Trước tiên, chúng tôi cũng đồng quan điểm với ý kiến của bạn TranTamDuc.1973 ở các ý kiến 2,3 và kiến thức thực tế ở ý kiến 1. Ở ý kiến thứ 3, cũng hoàn toàn đồng tình với việc nên tìm lại các chủ cũ để các giấy tờ được làm lại minh thị theo luật định nhất.
Tuy nhiên, đối chiếu với pháp luật thực định Việt Nam, kết luận như vậy có phần vội vàng. Với câu hỏi của bạn, bên cạnh một số phần bổ sung ý kiến của bạn TranTamDuc.1973 chúng tôi có góp ý, đề xuất như sau:
-1- Căn nhà có được phép tồn tại không?
Để hợp pháp hóa sự tồn tại của ngôi nhà, (cũng là điều kiện để xin sửa chữa ngôi nhà, theo thông tin bạn vừa cung cấp) bạn cần xin giấy phép xây dựng. Trong trường hợp không xin được giấy phép xây dựng, bạn có thể không xin được giấy phép sửa chữa nhà, và khi có những tranh chấp, vấn đề phát sinh với ngôi nhà, bạn sẽ khó được nhà nước bảo vệ.
Trong trường hợp căn nhà đã xây từ lâu nhưng chưa có giấy phép xây dựng, nếu có đủ điều kiện, bạn vẫn có thể xin giấy phép xây dựng nhưng trước tiên, cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Về việc xin giấy phép xây dựng, bạn sẽ bị xử phạt hành chính và xem xét có thể cấp giấy phép xây dựng không.
Nghị Định 180/2007/NĐ-CP quy định:
Điều 12. Xử lý công trình xây dựng không có Giấy phép xây dựng
(...)
2. Đối với những công trình xây dựng không có Giấy phép xây dựng nhưng đủ điều kiện để cấp Giấy phép xây dựng theo quy định thì xử lý như sau:
a) Những công trình xây dựng phải bị lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục xin cấp Giấy phép xây dựng gồm: công trình xây dựng phù hợp vị trí quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng trên đất ở có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, phù hợp quy hoạch xây dựng; xây dựng mới trên nền nhà cũ hoặc cải tạo nhà đang ở phù hợp quy hoạch xây dựng; công trình xây dựng trên đất có đủ điều kiện về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai;
(…)
Điều 13. Vi phạm quy định về tổ chức thi công xây dựng
6. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản này;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.”
Như vậy khi đủ điều kiện (bạn tham khảo điều kiện tại theo điều 93 luật xây dựng 2014) thì bạn làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng. Hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép xây dựng với từng loại công trình được quy định tại điều 95. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới, Luật Xây dựng 2014.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các trường hợp được quy định ở Thông tư 02/2014/TT-BXD để rõ hơn về quy định xử lý với nhà ở xây dựng không có giấy chứng nhận.
Tóm lại, bạn cần xin Giấy phép xây dựng cho căn nhà này để bảo đảm quyền, lợi ích của mình. Nếu có vướng mắc trong quá trình xin giấy phép, bạn có thể liên hệ với văn phòng luật sư để cùng giải quyết.
-2- Có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hay không?
Vẫn có thể được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất dựa theo Điểm a và b Khoản 3 Điều 22 nghị định 43/2014/NĐ-CP:
Điều 22. Việc xử lý, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01 tháng 7 năm 2014
...
“3. Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì thực hiện xử lý như sau:
a) Trường hợp đang sử dụng đất thuộc quy hoạch sử dụng đất cho các mục đích quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật Đất đai thì Nhà nước thu hồi đất trước khi thực hiện dự án, công trình đó.
Người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng phải giữ nguyên hiện trạng đang sử dụng đất và phải kê khai đăng ký đất đai theo quy định;
b) Trường hợp đang sử dụng đất không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; người đang sử dụng đất được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”
…”
Theo thông tin bạn cung cấp thì khu đất của bạn không thuộc quy hoạch đất tại Điều 61 dùng vì mục đích quốc phòng an ninh hay Điều 62 đất dùng cho mục đích phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng theo Luật đất đai 2013 nên bạn vẫn có khả năng được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất.
Tuy nhiên trước đó bạn sẽ phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm (CLN) thành đất ở. Mẫu hồ sơ được quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT
“Điều 11. Đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất
...
2. Người sử dụng đất có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ, gồm có:
a) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK ban hành kèm Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT;
b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận).
...”
Bạn nộp đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất kèm theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến cơ quan tài nguyên và môi trường.
Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định (ở đây cụ thể là UBND cấp huyện, thành phố) cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Căn cứ theo Điểm b khoản 1 Điều 60 Thông tư số 43/2014/NĐ-CP và Điều 59 Luật đất đai 2013
“Điều 60. Nộp hồ sơ và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai
1. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:
b) Phòng Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 59 của Luật Đất đai.
…”
“Điều 59: Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
...
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định;
b) Giao đất đối với cộng đồng dân cư.
…”
Ngoài ra bạn cũng sẽ phải thực hiện một số nghĩa vụ tài chính theo Nghị định số 45/2014/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất. Điểm a, khoản 2, Điều 5 Nghị định này quy định việc thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân.
-3- Các thủ tục để bảo vệ Chủ sở hữu hiện nay, nếu căn nhà không được cấp phép:
Trong trường hợp chính quyền địa phương yêu cầu phá dỡ căn nhà.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng là 02 năm (công trình của bạn đã xây xong, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính sẽ tính từ ngày công trình được bàn giao, đưa vào sử dụng; theo điểm a khoản 3 điều 4 Luật xử lý vi phạm hành chính). Vậy, thực tế, đã hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính. Khi này, quy định được áp dụng là khoản 2 điều 2 Thông tư 02/2014/TT-BXD: 2. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, theo đó bạn vẫn có thể bị cưỡng chế phá dỡ căn nhà trên. Trong trường hợp này, bạn cần chứng minh căn nhà thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở để hợp pháp hóa, tránh bị phá dỡ căn nhà. Cụ thể đã được nêu ở vấn đề 1.
Căn cứ Điều 31 Nghị định 43/2014 về Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở
h) Trường hợp cá nhân trong nước không có một trong những giấy tờ quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và e Khoản này thì phải có giấy tờ xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở đã hoàn thành xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2006, được xây dựng trước khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc phải phù hợp quy hoạch đối với trường hợp xây dựng sau khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhà ở hoàn thành xây dựng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 trở về sau thì phải có giấy tờ xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở không thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng và đáp ứng điều kiện về quy hoạch như trường hợp nhà ở xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2006; trường hợp nhà ở thuộc đối tượng phải xin phép xây dựng mà không xin phép thì phải có giấy tờ của cơ quan quản lý về xây dựng cấp huyện chấp thuận cho tồn tại nhà ở đó."
Do vậy, trường hợp nhà ở của bạn thuộc đối tượng phải xin phép xây dựng mà không xin phép thì bạn cần thực hiện thủ tục xin sự chấp thuận của cơ quan quản lý xây dựng cấp huyện cho tồn tại nhà ở đó để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.
Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu ngôi nhà, thì bạn có thể chứng minh mình là chủ sở hữu bằng việc mình đang thực tế sử dụng, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… có thể thực hiện việc khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi của mình theo Luật tố tụng dân sự 2015.
Trên đây là một số đề xuất, góp ý dựa trên những thông tin bạn đưa ra. Nếu còn những thắc mắc cần giải đáp, mời bạn liên hệ với chúng tôi để được tư vấn trực tiếp theo địa chỉ dưới đây.
Trân trọng.
Cập nhật bởi clevietkimlaw3 ngày 06/03/2017 07:19:27 SA
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI - DỰ ÁN BĐS | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.