Chúng ta thường nghe câu “Công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm” và coi đây là triết lý sống không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, với thực tế những gì đang diễn ra thì câu nói trên không còn đúng vì trong một số trường hợp công dân được làm cả điều pháp luật cấm mà không gánh lấy chế tài nào.
Lưu ý: Bài viết không nhằm mục đích cổ xúy cho hành vi làm trái quy định pháp luật mà là để chúng ta có một góc nhìn chuẩn xác nhất đối với hệ thống pháp luật hiện hành, rồi từ đó góp phần vào công cuộc hoàn thiện pháp luật nước nhà.
Thông thường, hiểu rằng: một khi pháp luật quy định cấm sẽ có một chế tài tương ứng gây bất lợi đối với những ai có hành vi vi phạm điều cấm đấy, như vậy điều cấm được đảm bảo tính hiệu lực và thực thi ngoài đời sống xã hội. Có thể suy luận, những điều pháp luật không cấm thì không có chế tài nên công dân đương nhiên được thực hiện. Vậy là, dân gian đúc kết ra câu: “Công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm”.
Tuy nhiên, nhiều quy định của pháp luật hiện hành là cấm nhưng không có chế tài xử lý hành vi vi phạm, đương cử một số trường hợp sau:
- Bộ luật Lao động 2012 quy định cấm quấy rối tình dục người lao động (điều 8, 37, 182, 183) nhưng tại Nghị định 95/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động không hề xử phạt hành vi quấy rối tình dục người lao động. Như vậy, nếu ai vi phạm thì vẫn không chịu trách nhiệm pháp lý.
- Nghị định 145 quy định hạn chế kính thưa, cấm tặng quà … tuy nhiên không có chế tài đối với những trường hợp vi phạm. Nghĩa là cơ quan, tổ chức không được làm những gì Nghị định không cho phép nhưng nếu vi phạm thì không bị xử lý, thế là cơ quan, tổ chức vẫn cứ làm điều cấm.
Như vậy, trong một số trường hợp công dân được làm cả điều pháp luật cấm. Rất mong, trong thời gian tới lập pháp nước nhà sớm hoàn thiện những chế tài đối với các quy định cấm nhằm đảm bảo tính thực thi của điều luật.