Để thực hiện các thủ tục liên quan đến việc xử lý nợ xấu, phía ngân hàng cần đáp ứng các điều kiện tại khoản 2 điều 7 về quyền thu giữ tài sản bảo đảm và trình tự thủ tục căn cứ tại nghị quyết 42/2017/QH14, cụ thể theo quy định tại khoản 3,4,5 điều 7:
“3. Chậm nhất là 15 ngày trước ngày tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thực hiện công khai thông tin về thời gian, địa điểm thu giữ tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm được thu giữ, lý do thu giữ theo quy định sau đây:
a) Đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của mình;
b) Gửi văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan Công an nơi có tài sản bảo đảm;
c) Niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản bảo đảm;
d) Thông báo cho bên bảo đảm bằng văn bản theo đường bưu điện có bảo đảm đến địa chỉ của bên bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm hoặc gửi trực tiếp cho bên bảo đảm.
…
5. Chính quyền địa phương các cấp và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm theo đề nghị của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc không có mặt theo thông báo của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm tham gia chứng kiến và ký biên bản thu giữ tài sản bảo đảm.”
Như vậy, khi tiến hành xử lý nợ xấu, phía ngân hàng cần thông báo trước đó ít nhất 15 ngày đến bên bảo đảm tài sản, chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an nơi có tài sản bảo đảm nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm. Nếu như sau khi thông báo đầy đủ với bên bảo đảm, mà đến ngày tiến hành thu giữ tài sản bên bảo đảm trốn tránh, không có nhà thì bắt buộc phải có sự có mặt của chính quyền địa phương và cơ quan công an khi ngân hàng bạn tổ chức thu giữ tài sản, theo căn cứ tại khoản 7 điều 7:
“7. Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan Công an các cấp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết này.”
Do đó, việc phá khoá tài sản bảo đảm là nhà ở của người bảo đảm mà không có mặt của chính quyền địa phương và cơ quan công an là sai quy định pháp luật, sai trình tụ thủ tục xử lý tài sản.
Trường hợp này, nếu tài sản bị hư hỏng có tổng giá trị tính ra tiền dưới 2 triệu đồng thì có thể bị xử phạt hành chính và bồi thường khoản tiền tương ứng với thiệt hại xảy ra.Trường hợp tài sản bị hư hỏng từ 2 triệu đồng trở lên có thể tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự số 2015. Tuy nhiên, để xác định mức thiệt hại, cần mời cơ quan có thẩm quyền đánh giá mức độ thiệt hại tài sản của bên bị hại để làm căn cứ xử lý theo khung hình phạt đã quy định ở trên.
Luật sư: Nguyễn Thanh Tùng; Điện thoại: 0913586658
Văn phòng luật sự Phạm Hồng Hải và Cộng sự - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội;
Email: luatsuthanhtung@gmail.com;