Trên thực tế, có những trường hợp con nuôi là người hiếu thảo, gần gũi và chăm sóc cha mẹ hơn cả con đẻ. Vậy con nuôi có quyền hưởng di sản do cha mẹ nuôi của mình để lại không? Và cha mẹ có thể để lại toàn bộ di sản cho con nuôi của mình không?
Theo pháp luật hiện hành, người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai bao gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba bao gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Việc chia di sản thừa kế theo pháp luật được thực hiện theo nguyên tắc những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau và những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, có thể thấy, con nuôi thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết cùng với con đẻ. Do đó, con nuôi có quyền được hưởng di sản cho cha mẹ để lại như con đẻ. Tuy nhiên, để được hưởng di sản do cha mẹ nuôi để lại thì người con nuôi này phải được pháp luật công nhận là con nuôi hợp pháp, tức đáp ứng đủ điều kiện và đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể:
- Người nhận nuôi và con nuôi phải đáp ứng những điều kiện sau:
+ Người nhận nuôi có hành vi dân sự đầy đủ; Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có điều kiện sức khỏe, kinh tế, chỗ ở; Có tư cách đạo đức tốt.
+ Con nuôi ở thời điểm được nhận nuôi là trẻ em dưới 16 tuổi; Nếu từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì chỉ được cha dượng, mẹ kế; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
- Việc nhận con nuôi trong nước phải được đăng ký tại UBND cấp xã nơi thường trú của con nuôi hoặc người nhận nuôi; Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nếu có yếu tố nước ngoài.
Sau được cơ quan đăng ký cấp Giấy chứng nhận nuôi con nuôi, quan hệ con nuôi với cha mẹ nuôi chính thức được xác lập. Khi đó, khi cha mẹ nuôi chết, con nuôi sẽ được hưởng quyền thừa kế theo pháp luật như con đẻ.
Tuy nhiên, nếu cha mẹ để lại toàn di sản cho con nuôi trong di chúc thì con nuôi có được quyền hưởng toàn bộ di sản do cha mẹ nuôi không? Con nuôi chỉ có thể được hưởng toàn bộ di sản do cha mẹ nuôi để lại trong 2 trường hợp sau:
- Cha mẹ nuôi chết không để lại di chúc và ở hàng thừa kế thứ nhất chỉ có duy nhất người con nuôi này hoặc vẫn còn những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất khác nhưng đều thuộc đối tượng không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
- Cha mẹ nuôi có để lại di chúc (nội dung di chúc là để lại toàn bộ di sản cho con nuôi) và cha mẹ nuôi không còn con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con thành niên mà không có khả năng lao động nào khác (hoặc có nhưng những người này đều từ chối nhận di sản/thuộc đối tượng không có quyền hưởng di sản).