Căn cứ theo Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng như sau:
- Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
- Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.
Theo đó tại Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người chưa thành niên như sau:
- Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
- Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
- Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Như vậy, theo quy định hiện hành thì khi con đến đủ 18 tuổi thì cha mẹ có thể ngưng nuôi dưỡng và có thể nhận lại sự chăm sóc của con cái. Tuy nhiên, trên thực tế các bậc cha mẹ ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng thường có xu hướng bảo vệ con trước việc tự lập cả về cuộc sống lẫn tài chính.