Theo thông tin bạn đã chia sẻ thì con chưa thành niên không thể tự mình yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha mẹ đối với con mà phải thông qua:
- Người thân thích;
- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
- Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
- Hội liên hiệp phụ nữ
Và sau khi đã có quyết định của Tòa án về hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên thì quyền chăm nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, quản lý tài sản riêng của con và đại diện theo pháp luật cho con sẽ được quy định như thế nào? Mình thấy vấn đề này được quy định tại điều 87 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
“Điều 87. Hậu quả pháp lý của việc cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên
1. Trong trường hợp cha hoặc mẹ bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên thì người kia thực hiện quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con và đại diện theo pháp luật cho con.
2. Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục con và quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên được giao cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự và Luật này trong các trường hợp sau đây:
a) Cha và mẹ đều bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên;
b) Một bên cha, mẹ không bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên nhưng không đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ đối với con;
c) Một bên cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên và chưa xác định được bên cha, mẹ còn lại của con chưa thành niên.
3. Cha, mẹ đã bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”
Vì bảo vệ con chưa thành niên, pháp luật đã có những quy định để hạn chế quyền của cha mẹ. Dù không thể tự mình yêu cầu tòa án những con chưa thành niên vẫn có thể nhờ người thân thích hoặc cơ quan, tổ chức về gia đình, trẻ em, phụ nữ để bảo vệ quyền lợi của mình.