“Cọc thì phải đứng im” - NHNN bác kiến nghị không phong tỏa tiền cho vay đặt cọc

Chủ đề   RSS   
  • #610180 02/04/2024

    btrannguyen
    Top 500
    Lớp 3

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (281)
    Số điểm: 4312
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 60 lần


    “Cọc thì phải đứng im” - NHNN bác kiến nghị không phong tỏa tiền cho vay đặt cọc

    Theo Báo An ninh Thủ đô đưa tin, vừa qua thực hiện góp ý đối với dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN, nhiều tổ chức kiến nghị cân nhắc bỏ quy định về việc phong tỏa tiền cho vay đặt cọc. Tuy nhiên, NHNN bác kiến nghị trên vì “cọc thì phải đứng im”. Cụ thể thông tin qua bài viết dưới đây.

    NHNN bác kiến nghị không phong tỏa tiền cho vay đặt cọc

    Theo dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN có quy định về sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 22 Thông tư 39/2016/TT-NHNN như sau: 

    Trường hợp cho vay để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, tổ chức tín dụng cho vay thỏa thuận với khách hàng để phong tỏa số tiền cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm.

    Theo đó, việc cho vay để thanh toán đặt cọc mua thì chủ đầu tư dự án/bên nhận đặt cọc sẽ bị phong tỏa số tiền nhận cọc tại ngân hàng của bên vay (bên đặt cọc), không được sử dụng số tiền đó cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm.

    Về vấn đề này, đại diện Hiệp hội Ngân hàng cho rằng trong thực tế, do khách hàng vay khó thỏa thuận được với chủ đầu tư chấp thuận cho phong tỏa tiền tại ngân hàng của bên vay, nên quy định tại khoản này hạn chế việc vay vốn thực hiện giao dịch của khách hàng. Vì vậy, các ngân hàng đề nghị ban soạn thảo dự thảo rà soát và cân nhắc bỏ quy định này.

    Trả lời cho đề xuất, NHNN cho rằng “Bởi đặt cọc theo đúng nghĩa là “cọc thì phải đứng im”. Không phải cọc là dùng tiền đặt cọc để đi làm việc khác.

    Đại diện NHNN cũng nêu ví dụ: “Dự án 10.000 tỷ thì 95% đặt cọc là rất lớn và khi chủ đầu tư sử dụng tiền cọc đó để làm việc khác là không đúng mục đích sử dụng vốn. Hoặc khi không thu hồi được vốn do dự án không đủ điều kiện pháp lý thì việc hủy hợp đồng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng vay vốn. Đồng thời, gây rủi ro cho tổ chức tín dụng, đặc biệt là tổ chức dụng cho vay trên cơ sở tiền gửi của khách hàng”.

    Như vậy, quan điểm của NHNN là không chấp nhận kiến nghị cân nhắc bỏ quy định phong tỏa tiền cho vay đặt cọc. Bởi quy định này đảm bảo chủ đầu tư sử dụng tiền cọc đúng mục đích, và bảo đảm quyền lợi cho khách hàng khi huỷ hợp đồng. Đồng thời, giảm thiểu rủi ro cho tổ chức tín dụng.

    Cho vay đặt cọc là gì? Các quy định hiện hành về thẩm định, giám sát cho vay đặt cọc?

    Đặt cọc là gì?

    Theo Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đặt cọc như sau::

    - Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

    - Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; 

    Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; 

    Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    Như vậy, đặt cọc là khi giao kết hợp đồng, bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc tài sản đặt cọc (thông thường là tiền) trong một thời hạn để đảm bảo giao kết, thực hiện hợp đồng.

    Cho vay đặt cọc là gì?

    Theo như quy định về đặt cọc ở trên, đặt cọc là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Như vậy, cho vay đặt cọc là việc ngân hàng cho tổ chức/cá nhân vay để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

    Các quy định hiện hành về thẩm định, giám sát cho vay đặt cọc

    Theo điểm b Khoản 2 Điều 22 Thông tư 39/2016/NHNN sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 06/2023/TT-NHNN quy định về quy trình thẩm định, phê duyệt và quyết định cho vay, trong đó quy định cụ thể:

    - Thời hạn tối đa thẩm định, quyết định cho vay; phân cấp, ủy quyền và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc thẩm định, phê duyệt, quyết định cho vay, bao gồm quy định đối với cho vay bằng phương tiện điện tử theo quy định tại Điều 32đ Thông tư Thông tư 39/2016/NHNN (nếu có); các công việc khác thuộc quy trình thẩm định, phê duyệt và quyết định cho vay;

    - Trường hợp cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án;

    - Trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, phải có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật, thỏa thuận của các bên tại thỏa thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm;

    Theo điểm c Khoản 2 Điều 22 Thông tư 39/2016/NHNN sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 06/2023/TT-NHNN quy định về quy trình kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng, trong đó quy định cụ thể:

    - Phân cấp, ủy quyền và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng;

    - Trường hợp cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án, có biện pháp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng, đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn theo thỏa thuận, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích;

    - Trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đảm bảo thu hồi được vốn cho vay trong trường hợp các bên không thực hiện đúng thỏa thuận nghĩa vụ bảo đảm;

    Đồng thời, theo Khoản 5 Điều 26 Thông tư 39/2016/NHNN bổ sung bởi Thông tư 06/2023/TT-NHNN quy định như sau: 

    Trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, tổ chức tín dụng phải phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật, thỏa thuận của các bên tại thỏa thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm.

    Như vậy, hiện nay khi ngân hàng cho vay đặt cọc cần phải có biện pháp phong tỏa số tiền đặt cọc tại tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật, thỏa thuận của các bên cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm. Trong quá trình kiểm tra, giám sát phải đảm bảo thu hồi được vốn cho vay trong trường hợp các bên không thực hiện đúng thỏa thuận nghĩa vụ bảo đảm.

     
    166 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận