Trường hợp giáo viên chèn ép học sinh thì có thể tố cáo được không? Sử dụng mẫu đơn nào? Cách điền ra sao? Ai là người có thẩm quyền giải quyết tố cáo? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
(1) Có thể tố cáo giáo viên chèn ép học sinh không?
Trước tiên, tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT có quy định về cán bộ quản lý cơ sở giáo dục khi ứng xử với người học phải có ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu; yêu thương, trách nhiệm, bao dung; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, lắng nghe và động viên, khích lệ người học. Không xúc phạm, ép buộc, trù dập, bạo hành.
Bên cạnh đó, tại Điều 6 Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT cũng có nêu rõ một trong những hành vi giáo viên tuyệt đối không được làm là Trù dập, chèn ép và có thái độ thiên vị, phân biệt đối xử, thành kiến người học; không tiếp tay, bao che cho những hành vi tiêu cực trong giảng dạy, học tập, rèn luyện của người học và đồng nghiệp.
Theo đó, tại khoản 2 Điều 2 Luật Tố cáo 2018 có quy định tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của các đối tượng sau đây:
- Cán bộ, công chức, viên chức; người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
- Người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức; người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
- Cơ quan, tổ chức.
Mà theo quy định tại Điều 2 Luật Viên chức 2010 thì trường hợp giáo viên là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại trường công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của trường công lập theo quy định của pháp luật thì được xem là viên chức. Theo đó, khi có hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì giáo viên có thể bị tố cáo theo Luật Tố cáo 2018.
(2) Mẫu đơn tố cáo giáo viên và hướng dẫn cách điền
Sau đây là mẫu đơn tố cáo chuẩn pháp lý mới nhất 2024 có thể tham khảo:
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/9/26/mau-don-to-cao.doc Mẫu đơn tố cáo
Hướng dẫn cách điền Đơn tố cáo: Căn cứ Khoản 1 Điều 23 Luật Tố cáo 2018 có nêu rõ, trong đơn tố cáo phải đảm bảo những nội dung như sau:
- Thời gian, địa điểm làm đơn tố cáo. Ví dụ như: Bắc Ninh, ngày 15 tháng 07 năm 2023;
- Ghi rõ tên cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo 2018.
Ví dụ: Kính gửi: Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông A.
- Thông tin của người tố cáo (họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ,…).
- Thông tin của người bị tố cáo, bao gồm những thông tin mà mình biết được như: họ tên, chức vụ, nơi mà giáo viên có hành vi vi phạm pháp luật công tác,… mà không bắt buộc phải ghi đầy đủ các thông tin theo mẫu.
- Trình bày cụ thể, chi tiết hành vi vi phạm quy định pháp luật của giáo viên bị tố cáo.
- Trình bày rõ yêu cầu giải quyết tố cáo.
- Chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo.
Lưu ý: Đối với người không có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì đơn tố cáo phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người đại diện theo pháp luật của họ.
Khi làm đơn tố cáo giáo viên, cần phải xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo của mình để việc tố cáo được giải quyết nhanh chóng, kịp thời và đạt hiệu quả cao.
(3) Ai có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ?
Căn cứ Điều 18 Luật Tố cáo 2018 có quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập như sau:
- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền sau đây:
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tổ chức, đơn vị trực thuộc, công chức, viên chức do mình tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức, đơn vị do mình quản lý trực tiếp.
- Người đứng đầu cơ quan nhà nước quản lý đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền sau đây:
+ Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, công chức, viên chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đơn vị sự nghiệp công lập do mình quản lý trực tiếp.
Theo đó, trường hợp giáo viên vi phạm thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý giáo viên bị tố cáo là người có thẩm quyền giải quyết tố cáo.