Có thể thực hiện chuyển nhượng tên doanh nghiệp giữa công ty mẹ - con không?

Chủ đề   RSS   
  • #607615 20/12/2023

    MewBumm
    Top 50
    Male
    Lớp 10

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:26/09/2017
    Tổng số bài viết (2007)
    Số điểm: 13718
    Cảm ơn: 16
    Được cảm ơn 257 lần


    Có thể thực hiện chuyển nhượng tên doanh nghiệp giữa công ty mẹ - con không?

    Tình huống phát sinh là công ty A do nhu cầu kinh doanh nên dự định bỏ vốn thành lập công ty con là B. Lúc này, để thống nhất trong quá trình hoạt động, công ty B có thể sử dụng các thông tin của công ty A như tên, tên viết tắt hay không? Nếu không thì có thể làm chuyển nhượng được không?
     
    Sử dụng tên doanh nghiệp khi thành lập công ty con
     
    Liên quan vấn đề này, tại Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2020 có nêu những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp như sau:
     
    - Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 41 của Luật này.
     
    - Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
     
    - Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
     
    Dẫn chiếu đến Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020 thì tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký. Còn tên gây nhầm lẫn gồm các trường hợp:
     
    - Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;
     
    - Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
     
    - Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
     
    - Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;
     
    - Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-”, “_”;
     
    - Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
     
    - Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”;
     
    - Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.
     
    Căn cứ theo các quy định trên, có thể thấy rằng việc thành lập công con khi công ty mẹ đã tồn tại thì công ty con (công ty B) không thể đặt tên hay tên viết tắt trùng với công ty mẹ (công ty A) được. Để thực hiện điều này, công ty mẹ phải đổi tên doanh nghiệp để công ty con thành lập, đăng ký với tên cũ của công ty mẹ trước khi thay đổi.
     
    Quy định nêu trên nêu về các hành vi bị cấm, đã ràng buộc cụ thể thông qua đăng ký doanh nghiệp. Hiện không có thủ tục chuyển nhượng tên doanh nghiệp nên ngoài cách đổi tên ra thì không có cách để công ty con sử dụng tên cũ của công ty mẹ.
     
    Thủ tục đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp
     
    Liên quan vấn đề này, tại Khoản 1 Điều 48 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp có nêu yêu cầu về hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính khi đổi tên như sau:
     
    - Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
     
    - Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc đổi tên doanh nghiệp.
     
    Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp nếu tên doanh nghiệp đăng ký thay đổi không trái với quy định về đặt tên doanh nghiệp. Lúc này, công ty con có thể thành lập với tên cũ của công ty mẹ.
     
    220 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận