Cơ sở tôn giáo muốn thành lập tổ chức có tư cách pháp nhận để hoạt động trong lĩnh vực môi trường như tình nguyện cải tạo vệ sinh,… thì cần làm thủ tục gì?
Cơ sở tôn giáo muốn thành lập một tổ chức có tư cách pháp nhân về môi trường được không?
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội thì:
- Hội là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
- Hội có các tên gọi khác nhau: hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân và các tên gọi khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, với mong muốn thành lập một tổ chức có tư cách pháp nhân để hoạt động trong lĩnh vực môi trường thì cơ sở tôn giáo có thể xem xét đến phương án thành lập hội.
Thủ tục thành lập hội
Căn cứ Điều 6, 7 Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định, thủ tục thành lập hội thực hiện như sau:
Bước 1: Thành lập Ban vận động thành lập hội
Muốn thành lập hội thì trước tiên cần thành lập ban vận động thành lập hội. Ban vận động thành lập hội được cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động công nhận.
Ban vận động thành lập hội phải đáp ứng tiêu chí sau:
- Người đứng đầu ban vận động thành lập hội là công dân Việt Nam, sống thường trú tại Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có sức khoẻ và có uy tín trong lĩnh vực hội dự kiến hoạt động.
- Tùy vào phạm vi hoạt động mà phải đạt được số lượng thành viên tối thiểu:
+ Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh có ít nhất mười thành viên;
+ Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, có ít nhất năm thành viên;
+ Hội có phạm vi hoạt động trong huyện, xã, có ít nhất ba thành viên;
+ Hiệp hội của các tổ chức kinh tế có phạm vi hoạt động cả nước có ít nhất năm thành viên đại diện cho các tổ chức kinh tế; đối với hiệp hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất ba thành viên đại diện cho các tổ chức kinh tế trong tỉnh.
Sau khi thành lập ban vận đồng thành lập hội thì ban tiến hành gửi 2 bộ hồ sơ đề nghị công nhận ban vận đồng thành lập hội cho cơ quan có thẩm quyền. Hồ sơ bao gồm:
- Đơn xin công nhận ban vận động thành lập hội, trong đơn nêu rõ tên hội, tôn chỉ, mục đích của hội, lĩnh vực mà hội dự kiến hoạt động, phạm vi hoạt động, dự kiến thời gian trù bị thành lập hội và nơi tạm thời làm địa điểm hội họp;
- Danh sách và trích ngang của những người dự kiến trong ban vận động thành lập hội: họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; trú quán; trình độ văn hóa; trình độ chuyên môn.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ:
- Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động quyết định công nhận ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh;
- Sở quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động quyết định công nhận ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh;
- Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) quyết định công nhận ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong huyện, xã.
Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ủy quyền cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất, giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã, thì phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong xã;
Thời hạn giải quyết: 30 ngày.
Bước 2: Kêu gọi người tham gia và xin thành lập hội
Sau khi thành lập Ban vận động thành lập hội và được, Ban vận động sẽ kêu gọi người đăng kí tham gia và hoàn chỉnh hồ sơ xin phép thành lập hội theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, gồm:
- Đơn xin phép thành lập hội.
- Dự thảo điều lệ.
- Dự kiến phương hướng hoạt động. (Khoản này bị bãi bỏ bởi Khỏan 1 Điều 2 Nghị định 33/2012/NĐ-CP)
- Danh sách những người trong ban vận động thành lập hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
- Lý lịch tư pháp người đứng đầu ban vận động thành lập hội.
- Văn bản xác nhận nơi dự kiến đặt trụ sở của hội.
- Bản kê khai tài sản do các sáng lập viên tự nguyện đóng góp (nếu có).
Sau khi đã hoàn tất việc trù bị thành lập hội, ban vận động thành lập hội gửi một bộ hồ sơ trên đến: Bộ Nội vụ đối với hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh; Sở Nội vụ đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, huyện, xã; Phòng Nội vụ (trong trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập hội có phạm vi hoạt động trong xã). Ban vận động thành lập hội tự giải thể khi đại hội bầu ra ban lãnh đạo của hội.
Như vậy, cơ sở tôn giáo có thể thành lập một tổ chức có tư cách pháp nhân về môi trường theo diện thành lập Hội.