Từ ngày 15/7/2024, chính sách hỗ trợ vốn đầu tư cho các cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp chính thức được triển khai theo Nghị định 58/2024/NĐ-CP
(1) Giống cây trồng lâm nghiệp là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 27/2021/NĐ-CP giải thích, giống cây trồng lâm nghiệp là một quần thể cây trồng lâm nghiệp có thể phân biệt được với quần thể cây trồng lâm nghiệp khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất một đặc tính và di truyền được cho đời sau; đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống; có giá trị canh tác, giá trị sử dụng.
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 22/2021/TT-BNNPTNT quy định cây trồng lâm nghiệp là những loài cây gỗ và lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và trồng phân tán
Như vậy, có thể hiểu giống cây trồng lâm nghiệp là một quần thể cây gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thể phân biệt được với quần thể cây trồng lâm nghiệp khác thông qua các đặc tính di truyền, đồng nhất và ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có giá trị canh tác, giá trị sử dụng.
(2) Điều kiện đối với cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp
Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 27/2021/NĐ-CP, điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp là:
- Có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp; trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở;
- Sản xuất giống của loài cây trồng lâm nghiệp chính phải sử dụng vật liệu nhân giống từ giống, nguồn giống được công nhận.
Bên cạnh đó, trước khi sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gửi thông báo qua thư điện tử hoặc gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính tới Sở NN&PTNT sở tại các thông tin sau: địa chỉ giao dịch, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp, số điện thoại liên hệ.
(3) Phương pháp sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 22 Nghị định 27/2021/NĐ-CP, phương pháp sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp được quy định như sau:
- Sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp được thực hiện theo phương pháp nhân giống hữu tính và phương pháp nhân giống vô tính theo tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp; trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.
- Sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp bằng nuôi cấy mô phải sử dụng vật liệu nhân giống từ giống gốc hoặc giống phục tráng; giống gốc hoặc giống phục tráng sau 02 năm sử dụng nhân giống phải được phục tráng lại theo tiêu chuẩn quốc gia về phục tráng giống.
Như vậy, pháp luật quy định có 03 phương pháp sản xuất ra giống cây trồng lâm nghiệp chính đó là phương pháp nhân giống hữu tính, phương pháp nhân giống vô tính và phương pháp nuôi cấy mô. Tổ chức, cá nhân tự chịu trách nhiệm về số lượng và chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp do mình sản xuất, kinh doanh.
(4) Cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp được hỗ trợ vốn đầu tư từ 15/7/2024
Căn cứ tại Điều 22 Nghị định 58/2024/NĐ-CP, việc hỗ trợ đầu tư cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp được quy định như sau:
Đối tượng được nhận hỗ trợ:
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp.
Nội dung hỗ trợ:
- Xây dựng rừng giống, vườn giống, vườn cây lâm nghiệp đầu dòng;
- Xây dựng trung tâm sản xuất giống cây rừng chất lượng cao;
- Xây dựng vườn ươm giống.
Mức hỗ trợ:
Hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư đối với một dự án hoặc công trình nằm trong nội dung hỗ trợ ở trên nhưng tối đa bằng mức quy định dưới đây:
- Tối đa 55 triệu đồng/ha đối với xây dựng rừng giống trồng mới có diện tích từ 2,0 ha trở lên, vườn giống trồng mới có diện tích từ 1,0 ha trở lên; tối đa 25 triệu đồng/ha đối với xây dựng rừng giống chuyển hóa có diện tích từ 1,0 ha trở lên, vườn cây lâm nghiệp đầu dòng có diện tích từ 500 m2 trở lên;
- Tối đa 5 tỷ đồng đối với một dự án hoặc công trình xây dựng trung tâm sản xuất giống cây rừng chất lượng cao có quy mô sản xuất tối thiểu 1 triệu cây/năm;
- Tối đa 300 triệu đồng đối với một dự án hoặc công trình xây dựng mới vườn ươm giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô với diện tích đất xây dựng vườn ươm tối thiểu 0,5 ha.
Điều kiện hỗ trợ:
Có dự án đầu tư riêng hoặc được lập chung trong các dự án bảo vệ và phát triển rừng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Theo đó, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định thiết kế, dự toán dự án hỗ trợ sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 27 Nghị định 58/2024/NĐ-CP.
Nghị định 58/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/7/2024.