Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam là cơ quan nào?

Chủ đề   RSS   
  • #617235 07/10/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 21604
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 442 lần


    Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam là cơ quan nào?

    Báo nào là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam? Báo chí có những nhiệm vụ gì? Cơ quan nào có thẩm quyền quản lý nhà nước về báo chí?

    Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam là báo nào?

    Theo khoản 1 Điều 4 Luật Báo chí 2016 quy định báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.

    Đồng thời,  Điều 16 Luật Báo chí 2016 quy định cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của các cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 14 Luật Báo chí 2016, thực hiện một hoặc một số loại hình báo chí, có một hoặc một số sản phẩm báo chí theo quy định của Luật này. Cụ thể các cơ quan, tổ chức tại Điều 14 Luật Báo chí 2016 bao gồm: 

    - Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí.

    - Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ; bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học.

    Theo đó, hiện nay cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam là Báo Nhân dân. Tại Đại hội Đại biểu lần II của Đảng (1951) quyết định xuất bản báo Nhân dân làm cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng.

    Báo chí có những nhiệm vụ, quyền hạn gì?

    Theo khoản 2 Điều 4 Luật Báo chí 2016 quy định báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

    - Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân;

    - Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, Mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

    - Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân;

    - Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội;

    - Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam;

    - Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững.

    Như vậy, báo chí sẽ có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định trên.

    Cơ quan nào có thẩm quyền quản lý báo chí?

    Theo Điều 7 Luật Báo chí 2016 quy định cơ quan quản lý nhà nước về báo chí như sau:

    - Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về báo chí.

    - Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về báo chí.

    - Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về báo chí.

    - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương.

    Như vậy, Chính phủ sẽ là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về báo chí.

     
    71 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận