Có phải từ 1/7/2024, chuyển khoản nhầm có thể yêu cầu phong tỏa tài khoản bên nhận không?

Chủ đề   RSS   
  • #611862 23/05/2024

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81119
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1697 lần


    Có phải từ 1/7/2024, chuyển khoản nhầm có thể yêu cầu phong tỏa tài khoản bên nhận không?

    Từ ngày 01/7/2024, những trường hợp nào sẽ được yêu cầu phong tỏa tài khoản thanh toán? Chuyển khoản nhầm sang tài khoản người khác có thể yêu cầu phong tỏa bên nhận hay không? Bài viết sau đây sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này?

    Có hay không quyền yêu cầu phong tỏa tài khoản người nhận khi mình chuyển khoản nhầm?

    Theo Nghị định 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế cho Nghị định 101/2012/NĐ-CPNghị định 80/2016/NĐ-CP. Trong đó, nêu rõ 04 trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán, cụ thể:

    Tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 Nghị định 52/2024/NĐ-CP.

    (1) Theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản. (điểm mới)

    (2) Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

    (3) Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. 

    Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.

    (Trước đây, quy định là Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót căn cứ tại điểm b khoản 2 Điều 12 Nghị định 101/2012/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP)

    (4) Khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung

    (Thay vì trước đây chỉ quy định là khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung (điểm d khoản 2 Điều 12 Nghị định 101/2012/NĐ-CP))

    Như vậy, không giống như một số trang mạng đưa tin là kể từ ngày 1/7 tới khi chuyển nhầm sang tài khoản người khác có thể yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản bên nhận, đây là hiểu nhầm về trường hợp phong tỏa tài khoản thứ ba.

    Mà theo quy định mới tại (3) theo Nghị định 52/2024/NĐ-CP, việc phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng chỉ được thực hiện khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền.

    Có nghĩa là ngân hàng chuyển sai thông tin so với lệnh thanh toán của khách hàng, lỗi hoàn toàn từ phía ngân hàng chuyển tiền thực hiện thì mới có thể yêu cầu phong tỏa tài khoản.

    Đồng nghĩa là bên yêu cầu hoàn trả lại tiền chuyển nhầm cũng là phía ngân hàng trong trường hợp này.

    Vì thế, từ ngày 01/7/2024 người dân chuyển nhầm tiền thì không có quyền yêu cầu ngân hàng thanh toán phong tỏa tài khoản của người nhận như một số trang mạng đã đưa tin.

    Xem thêm bài viết: Chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng người khác thì nên làm gì?

    Nhận tiền chuyển nhầm mà không trả lại có thể bị phạt tù

    Tham khảo: Nhận tiền chuyển nhầm không trả có thể bị phạt tù?

    Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp người khác chuyển nhầm tiền vào tài khoản nhưng người nhận số tiền chuyển nhầm đó không tự giác hoàn trả, thậm chí lấy để tiêu xài hoặc chối bỏ việc đã nhận tiền.

    Điều này khiến người chuyển nhầm trở nên khốn đốn bởi số tiền đó có thể lên đếm hàng trăm triệu đồng. Mặc dù đã nhiều lần liên hệ, nhưng sự thờ ơ và lảng tránh của các đối tượng này khiến chủ nhân của số tiền chuyển nhầm gặp không ít rắc rối trong quá trình đòi lại số tiền đó.

    Nhiều nạn nhân trong vụ việc đã tìm cách liên hệ với ngân hàng nhờ sự trợ giúp. Tuy nhiên không mấy khả quan.

    Như vậy, hành vi nhận tiền chuyển nhầm vào tài khoản mà không trả là hành vi vi phạm pháp luật.

    Khi một người vô tình nhận tiền từ người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình thì người nhận phải có trách nhiệm trả lại cho người đã chuyển nhầm.

    Pháp luật quy định việc không trả lại số tiền chuyển nhầm sẽ bị coi là chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật

    Căn cứ theo Khoản 1 Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015 thì nhận tiền quy định về nghĩa vụ hoàn trả như sau:

    Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    Ngoài ra, Điều 580 Bộ luật này cũng quy định người chiếm hữu, sử dụng phải hoàn trả toàn bộ tài sản thu được. Đây là nghĩa vụ bắt buộc nên nếu người có nghĩa vụ không thực hiện thì bị coi là vi phạm pháp luật. Tùy tính chất, mức độ, hành vi có thể bị áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự.

    Về xử phạt hành chính:

    Căn cứ theo điểm đ Khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP hành vi chiếm giữ tài sản của người khác có thể bị phạt tiền từ 03-05 triệu đồng. Ngoài ra, nếu người nước ngoài có hành vi này sẽ bị trục xuất khỏi nước ta.

    Về truy cứu trách nhiệm hình sự:

    Căn cứ theo Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi điểm d Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luât Hình sự 2017 quy định về Tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau:

    Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá:

    - Từ 10 triệu-200 triệu đồng

    - Dưới 10 triệu đồng nhưng mà là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật

    => Bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

    Mức phạt cao nhất có thể lên đến 05 năm tù về tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia

    Như vậy, khi nhận chuyển tiền nhầm từ người lạ thì trước tiên phải thông báo cho ngân hàng biết. Sau đó cùng ngân hàng thực hiện các bước đến tìm chủ sở hữu hợp pháp hoàn trả. Nếu vô tình nhận tiền chuyển nhầm từ một tài khoản lạ thì phải tìm cách hoàn trả chứ không nên tự ý sử dụng để tránh vi phạm pháp luật.

    Xem thêm bài viết: Chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng người khác thì nên làm gì?

    Nhận tiền chuyển nhầm mà không trả lại có thể bị phạt tù

     
    8987 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    admin (30/07/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận