Mình không dám để câu khẳng định mà phải đặt dấu chấm hỏi ở cuối câu bởi vì sợ sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, như vụ Thông tư 33/2017/TT-BTNMT liên quan đến việc ghi đầy đủ thông tin thành viên trên sổ đỏ vừa rồi.
Hộ kinh doanh là loại hình kinh doanh đặc thù, và dường như chỉ có ở Việt Nam bởi nhiều yếu tố, chủ yếu là do điều kiện hoàn cảnh lịch sử tạo nên. Hộ kinh doanh chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong thành phần kinh tế tư nhân, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội nước nhà.
Song, nếu cứ kinh doanh theo mô hình này thì chủ hộ - người đại diện hộ kinh doanh khó có thể vượt ra biển lớn để hội nhập với nền kinh tế thế giới, vốn là điều đang được mong đợi từ phía Nhà nước.
Hơn nữa, về các tính chất như tư cách pháp nhân, chế độ chịu trách nhiệm…là vấn đề đáng bàn luận, bên cạnh câu chuyện đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước như đã đề cập trên.
Về tư cách pháp nhân: hộ kinh doanh không phải là một thương nhân thể nhân, cũng không phải là thương nhân pháp nhân, vậy thì gọi là gì? Có thể gọi là tổ chức không? Theo quan điểm của mình cũng không thể gọi là tổ chức, bởi tổ chức là một thực thể mà trong đó cần phải có sự bố trí, sắp xếp vị trí của các thành viên trong đó, song, hộ kinh doanh thì không như vậy.
Ngay cả tại Điều 1 của Bộ luật dân sự 2015 cũng đã “âm thầm” loại bỏ chủ thể là hộ gia đình hoặc hộ kinh doanh khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật này, vốn là luật chung được áp dụng nếu không có Luật chuyên ngành điều chỉnh.
Bộ luật dân sự 2005
|
Bộ luật dân sự 2015
|
Điều 1. Nhiệm vụ và phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự
Bộ luật dân sự quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác; quyền, nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự).
|
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự).
|
Không chỉ vậy, một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian gần đây cũng đã “khước từ” điều chỉnh đối tượng này.
Sau đây xin được phép kể ra một số văn bản điển hình:
Tại Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng: chỉ cho phép cá nhân hoặc pháp nhân vay vốn.
Tại Điều 11 Thông tư 32/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán: chỉ cho phép cá nhân, pháp nhân được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ngoài ra, các Bộ luật tố tụng dân sự và hành chính thì đương sự tham gia tố tụng chỉ được kể đến là cơ quan, tổ chức, cá nhân, vậy hộ kinh doanh là chủ thể nào trong 3 nhóm cơ quan, tổ chức, cá nhân? Khó có thể xác định được trong trường hợp một vụ tranh chấp, khởi kiện mà một bên là hộ gia đình hoặc hộ kinh doanh, thì chủ thể tham gia tố tụng là ai?
Về tính chịu trách nhiệm: Hộ kinh doanh bao gồm chủ hộ và các thành viên hộ kinh doanh (nếu có), chủ hộ cùng các thành viên chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình, chứ không độc lập như các tổ chức có tư cách pháp nhân khác, và tính chịu trách nhiệm vô hạn dẫn đến rất nhiều rủi ro cho các chủ thể khác khi tham gia giao dịch dân sự, thương mại…với hộ kinh doanh, bởi khó xác minh được toàn bộ tài sản của chủ hộ, thành viên hộ kinh doanh.
Bên cạnh đó, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 ra đời và sẽ có hiệu lực từ 01/01/2018 có chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp bằng loạt các hỗ trợ như miễn phí tư vấn thực hiện thủ tục, miễn, giảm thuế và tiền sử dụng đất và cả chế độ kế toán…
Nhiều chuyên gia cho rằng không ép uổng hộ kinh doanh chuyển đổi mà phải khuyến khích, tuy nhiên, theo đánh giá của mình, hộ kinh doanh vẫn sẽ chưa thay đổi thái độ tích cực trong việc chuyển đổi này, nếu không có các quy định khác kèm theo, như dẫn chứng ở trên là không được vay vốn, không được mở tài khoản thanh toán đã “gián tiếp buộc” hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Trên thực tế, có rất nhiều người khi bắt đầu kinh doanh, họ luôn muốn chọn mô hình hộ kinh doanh, bởi việc nộp thuế ít (thuế khoán sẽ ít hơn so với thuế TNDN), chế độ kế toán cũng không phức tạp như doanh nghiệp.
Còn phía cơ quan quản lý lại gặp khó trong công tác quản lý và thu thuế, hơn nữa, tư cách không được phân định rõ ràng, do vậy, khó có thể xác định được tính chịu trách nhiệm của hộ kinh doanh, nhất là các vấn đề liên quan đến tài sản, tài chính.
Nếu như xóa bỏ hẳn thì e rằng sẽ đối mặt với tâm lý phản kháng của rất nhiều hộ kinh doanh đang “ăn nên làm ra” đóng góp cho sự phát triển kinh tế, chi bằng, từng bước thực hiện đan xen giữa khuyến khích và buộc (như ông bà ta có câu “lạt mềm buộc chặt”) hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Vì vậy, câu hỏi mà mình hỏi không phải là không có cơ sở.
Theo các bạn, có nên xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh hay không?