Có phải cách nhau ba đời mới được kết hôn?

Chủ đề   RSS   
  • #614694 31/07/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 474 lần


    Có phải cách nhau ba đời mới được kết hôn?

    Dân gian thường truyền tai nhau rằng “Anh em dòng họ gần hay xa thì phải cách nhau 03 đời mới được lấy nhau”. Vậy, pháp luật quy định thế nào về vấn đề này?

    (1) Có phải cách nhau ba đời mới được kết hôn?

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, các hành vi sau đây bị cấm trong quan hệ hôn nhân:

    - Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo

    - Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn

    - Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ

    - Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng

    - Yêu sách của cải trong kết hôn

    - Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn

    - Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính

    - Bạo lực gia đình

    - Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi

    Như vậy, theo quy định trên, việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi ba đời khi kết hôn là một trong những hành vi bị nghiêm cấm thực hiện.

    (2) Vì sao không được kết hôn với người có họ trong phạm vi ba đời?

    Việc cấm kết hôn với người cùng họ trong phạm vi ba đời là một quy định pháp luật có từ lâu đời ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Quy định này nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe của con cháu, ngăn chặn các vấn đề xã hội và duy trì sự ổn định của gia đình.

    Theo góc độ khoa học, khi hai người có quan hệ huyết thống gần gũi kết hôn, khả năng con cái họ mang các gen đột biến lặn gây bệnh di truyền sẽ cao hơn. Điều này có thể dẫn đến các bệnh di truyền nguy hiểm như bệnh Down, bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm,...

    Bên cạnh đó, việc kết hôn gần gũi làm giảm sự đa dạng gen trong quần thể, khiến con cháu dễ bị tổn thương trước các yếu tố môi trường và bệnh tật.

    Ngoài ra, trẻ em sinh ra từ các cuộc hôn nhân cận huyết thống thường có nguy cơ cao bị khuyết tật, bệnh tật, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tương lai của trẻ.

    Vì những lý do trên, pháp luật Việt Nam và các nước trên thế giới đều quy định việc cấm kết hôn với người có họ trong phạm vi ba đời.

    (3) Những ai là người có họ trong phạm vi ba đời khi kết hôn?

    Theo khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm có:

    - Cha mẹ là đời thứ nhất

    - Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai

    - Anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba

    Như vậy, những người có họ trong phạm vi ba đời này không được phép kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với nhau, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

    (4) Mức phạt đối với hành vi kết hôn với người có họ trong phạm vi ba đời

    Theo khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, khi kết hôn trong phạm vi ba đời nếu chưa đủ yếu tố cấu thành tội hình sự thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

    Nếu việc kết hôn trong phạm vi ba đời mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội loạn luân theo Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể:

    Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

    Như vậy, người nào vi phạm Tội loạn luân có thể sẽ bị phạt tù tối đa lên đến 05 năm.

     
    302 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn motchutmoingay24 vì bài viết hữu ích
    admin (30/10/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận