Tối qua, tình cờ lướt facebook thì thấy một status được share lại vì nội dung khiến người đọc quá xúc động, đặc biệt là các chị em phụ nữ.
Status này đã thu hút hơn 42.000 lượt like cho tới thời điểm này. Kèm theo status này là những lời comment đồng cảm với cô gái đã quá cố này.
“Thấy người khác rồi nghĩ đến mình” đó là tâm trạng chung đa số chị em phụ nữ khi đọc dòng status này. Lấy chồng, tận tụy lo cho chồng con , ăn không dám ăn, mặc đẹp cũng không dám, bao nhiêu tiền làm ra dành dụm vun đắp cho chồng con được đủ đầy. Rồi khi ra đi chưa được bao lâu thì chồng đã tái hôn. Không ít người đã rơm rớm nước mắt khi đọc những dòng status này.
Tình nghĩa vợ chồng được xem là giá trị văn hóa cao đẹp mà người Việt Nam ta gìn giữ lâu nay, đó còn là chuẩn mực chung được xã hội chấp nhận, khi không thực hiện đúng chuẩn mực đó thì có chăng chỉ là những lời thị phi của người đời, còn sẽ nhận hậu quả gì thì người ta thường ví von đến ông Trời. Dẫu biết rằng ông Trời sẽ trừng phạt theo một cách nào đó còn được gọi là luật nhân quả hay có khi đó chỉ là sự đe dọa, nhưng thực tế cuộc sống lại chưa có quy định nào đặt ra cho vấn đề này.
Pháp luật được đặt ra nhằm để điều chỉnh các hành vi theo một chuẩn mực xã hội nhất định. Xã hội ngày càng phát triển và thay đổi thì pháp luật cũng phải thay đổi tương ứng để kịp thời điều chỉnh các chuẩn mực đó.
Tại Bộ luật dân sự 2005 có quy định:
Điều 8 : Nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp
Việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự phải bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, tình đoàn kết, tương thân, tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam...
Điều 83 : Hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết
…
2. Quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố là đã chết được khôi phục khi Toà án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết, trừ các trường hợp sau đây:
a) Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã được Toà án cho ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 78 của Bộ luật này thì quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật;
b) Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác thì việc kết hôn đó vẫn có hiệu lực pháp luật.
|
Thiết nghĩ, Bộ luật dân sự 2005 được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp, nhưng quy định tại Điều 83 nêu trên đặt trong một số trường hợp cụ thê trên thực tế, liệu có đáp ứng theo giá trị truyền thống tốt đẹp lâu đời mà người Việt Nam ta gìn giữ bấy lâu.
Tại Luật Hôn nhân gia đình 2014 :
Điều 65. Thời điểm chấm dứt hôn nhân
Hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm vợ hoặc chồng chết.
Trong trường hợp Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng là đã chết thì thời điểm hôn nhân chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án.
|
Điều này có nghĩa là nếu hôn nhân với người đã mất được chấm dứt về mặt pháp lý, người còn sống có quyền xác lập hôn nhân mới (tức là kết hôn).
Việc người chồng của cô gái đã mất trong câu chuyện nêu trên tái hôn sau khi vợ mất không có gì vi phạm về mặt pháp lý, nhưng nếu đứng trên phương diện tình nghĩa vợ chồng theo truyền thống Việt Nam ta thì liệu có được xã hội thừa nhận?
Vì vậy, chúng ta có nên đề xuất thời hạn người chồng được phép tái hôn sau khi vợ mất? Quy định này đặt ra đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân, đặc biệt là các chị em phụ nữ mà còn thỏa mãn nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân, gia đình theo Luật hôn nhân, gia đình năm 2014:
Điều 2. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình
…
5. Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.
|
Đó còn là quà tặng mang giá trị tinh thần dành cho phụ nữ sau tất cả những đóng góp, hy sinh vì gia đình…