Theo như quy định tại điều 31 Nghị định 71/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/08/2017 :
"Điều 31. Công bố thông tin về thu nhập của Giám đốc (Tổng giám đốc) :
Tiền lương của Giám đốc (Tổng giám đốc) và người quản lý khác phải được thể hiện thành mục riêng trong Báo cáo tài chính hàng năm của công ty và phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên."
Theo đó, ngoài việc công bố đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin định kỳ và bất thường về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính và tình hình quản trị công ty cho cổ đông và công chúng, công ty đại chúng còn phải công khai tiền lương của giám đốc (tổng giám đốc) và người quản lý khác của công ty đại chúng, thể hiện thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty và phải báo cáo đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên.
Đó là quy định bắt buộc phải công khai tiền lương cụ thể ở trường hợp này, vì đây là điểm mà Nhà nước nhận thấy cần sự minh bạch cũng như cần thiết để tạo ra hệ thống quản lý doanh nghiệp hiệu quả. Chúng ta không bàn cãi về trường hợp trên vì đó là quy định pháp luật và đã được xem xét trước khi thông qua, mặt khác, trong thực tế, việc công khai tiền lương là một vấn đề khá nhạy cảm mà ở mỗi nơi làm việc có một văn hóa doanh nghiệp khác nhau.
Hai luồng suy nghĩ trái ngược nhau đang tồn tại song song : thứ nhất là các doanh nghiệp có quy định cấm nhân viên tiết lộ hay bàn tán về mức lương của mình ; thứ hai là số khác các doanh nghiệp công khai mức tiền lương của mỗi nhân viên được chi trả hàng thán.
Mỗi phương án trên đều có những lý lẽ thuyết phục riêng trong cách quản lý của họ như :
- Ở chính sách công khai lương, điều này tạo nên sự trao đổi về vấn đề tiền lương giữa các nhân viên dẫn đến sự cạnh tranh để phát triển công ty, và một CEO nổi tiếng người Mỹ đã nói :
" Nếu nhân viên hiểu được phải làm việc và đạt được thành tích như thế nào để kiếm được mức lương nhiều hơn thì họ cũng sẽ có động lực đê phấn đấu nhiều hơn."
Vì trong quá trình làm việc ông nhận được những câu hỏi như : Tại sao bạn lại trả cho giám đốc khu vực này nhiều còn tôi chỉ được trả như vậy? Tôi đã phải trả lời rằng bởi vì người đó tạo ra nhiều giá trị hơn bạn. Nếu bạn làm việc và tạo ra được kết quả giống như người đó, tôi cũng sẽ trả cho bạn mức lương tương tự”. Điều đó thôi thúc sự tự giác hoàn thiện, phấn đấu của người nhân viên đem đến lợi ích là sự phát triển doanh nghiệp.
- Thế nhưng, ở chiều ngược lại, những nhà quản lý sử dụng chính sách bảo mật tiền lương cho rằng : việc công khai tiền lương sẽ đưa đến quá nhiều rủi ro không đáng như nảy sinh các đoạn hội thoại khó xử giữa các nhân viên hay kích động cái tôi của những cá nhân cho răng họ đang được hưởng mức lương chưa xứng đáng với năng lực. Họ cho rằng việc giữ bí mật về tiền lương giúp đội ngũ nhân viên của họ tránh được sự tị nạnh bởi các nhân viên khác, điều đó làm rạn nứt tính cảm đồng nghiệp và hợp tác sẽ không còn hiệu quả; hay tránh được sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các nhân viên, vì người biết mình được trả lương thấp hơn có thể sẽ không còn muốn cố gắng hết sức và đùn đẩy sang người được trả lương cao hơn.
Vì vậy, việc công khai lương hay bảo mật tiền lương ở mỗi doanh nghiệp khác nhau đều có những điểm hiệu quả và bất lợi tùy theo cách quản lý của họ, quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào và bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi làm việc theo chính sách nào hơn ?
Cập nhật bởi thanhdatvo95 ngày 24/06/2017 02:22:50 CH