Có mới nới cũ là gì? Chồng ngoại tình có được chia tài sản không?

Chủ đề   RSS   
  • #616708 24/09/2024

    Có mới nới cũ là gì? Chồng ngoại tình có được chia tài sản không?

    Có mới nới cũ được hiểu như thế nào? Theo pháp luật hiện hành, chồng ngoại tình thì có được chia tài sản khi ly hôn hay không?

    Có mới nới cũ là gì?

    "Có mới nới cũ" là một thành ngữ trong tiếng Việt tuy ngắn gọn nhưng hàm chứa ý nghĩa sâu sắc về tình cảm, đạo đức và giá trị của con người. 

    Theo nghĩa đen, “có mới nới cũ” được hiểu đơn giản là có cái mới sẽ bỏ hoặc quên đi cái cũ. Theo nghĩa bóng, thành ngữ này dùng để phê phán những người dễ dàng thay đổi tình cảm, sống thiếu tình nghĩa, phụ bạc. Khi họ có cái mới hay lợi ích trước mắt thì quay ra rẻ rúng, thậm chí vứt bỏ những thứ đã từng gắn bó, giúp bản thân trở nên tốt đẹp như ngày hôm nay. 

    Câu thành ngữ này như lời nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của lòng trung thành, sự biết ơn, và giá trị của những mối quan hệ bền vững đồng thời khuyến khích mọi người sống có trách nhiệm, trân trọng những gì mình đang có và đã có.

     

    Chồng ngoại tình có được chia tài sản khi ly hôn không?

    Trước tiên theo Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định việc chia tài sản vợ chồng khi ly hôn sẽ được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên. Trường hợp không thoả thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án sẽ giải quyết căn cứ vào khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và tại các Điều 60, 61, 62, 63 và 64 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

    Theo khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

    - Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng: là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.

    - Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập: Là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.

    - Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập: Là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.

    - Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng: Là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.

    Ví dụ: Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.

    Như vậy, nếu vợ chồng thoả thuận được vấn đề chia tài sản khi ly hôn thì việc chia tài sản cho người chồng ngoại tình được thực hiện theo thoả thuận này. Nếu không thoả thuận được mà yêu cầu Toà án giải quyết thì việc ngoại tình dẫn đến việc ly hôn là một trong những yếu tố được xem xét khi giải quyết vấn đề tài sản chung nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên. Tuy nhiên, việc ngoại tình phải có căn cứ chứng minh xác đáng chứ không phải là vấn đề suy diễn hay ghen tuông của một bên.

    Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc trường hợp nào?

    Căn cứ tại Điều 42 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong những trường hợp dưới đây:

    [1] Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

    [2] Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

    - Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng.

    - Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

    - Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản.

    - Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức.

    - Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước.

    - Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014Bộ luật Dân sự 2015 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Như vậy, có mới nới cũ là một thành ngữ ngắn gọn nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc về đạo đức giữa người với người đặc biệt là mối quan hệ vợ chồng. Nó là một lời nhắc nhở chúng ta nên trân trọng những gì mình đang có và không nên dễ dàng từ bỏ vì những thứ hào nhoáng bên ngoài.

     
    180 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận