Ở thời điểm này các sĩ tử 2k2 cũng đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 và đã biết được điểm thi, nghe đồn điểm năm nay cũng cao phết :))) Chắc hẳn giờ này, các bạn cũng đang phân vân không biết nên học Trường nào? Ngành gì? và đặc biệt đối với các bạn có dự định thi vào Trường Luật thì mình nghĩ Luật Thương mại (hoặc Luật Kinh tế) sẽ là lựa chọn không tồi. Vậy Luật Thương mại có gì hot?
1. Điểm đầu vào khá cao.
Ở các trường chuyên đào tạo Luật thường sẽ phân khá nhiều khoa, phổ biến như: Dân sự, Hình sự, Hành chính, Thương mại (hoặc Luật Kinh tế), Quốc tế,... Trong đó điểm đầu vào của khoa Luật Thương mại là khá cao so với mặt bằng chung. Thời mình thi lúc ấy Đại học Luật Tp.HCM lấy 21 điểm, lúc này là còn thi 3 môn đại học riêng không phải xét điểm thi THPT như bây giờ. Ngoài ra, cũng lưu ý thêm cho các bạn là bây giờ một số trường đã có tiêu chí xét tuyển riêng, vừa căn cứ vào học bạ cấp ba, vừa căn cứ vào điểm thi THPT và bài kiểm tra năng lực, nên điểm các trường là không giống nhau, do đó rất khó để so sánh vì mọi sự so sánh đều là khập khiễng.
Vì vậy, ở thời điểm này khi các bạn muốn hộp hồ sơ vào khoa Luật Thương mại của bất kỳ trường Luật nào thì cũng nên đối chiếu điểm thi của các năm gần nhất và nên cộng trừ hao thêm 2-3 điểm để chắc ăn.
2. Khoa Luật Thương mại là học những môn gì?
Không có quá nhiều khác biệt khi bạn là sinh viên khoa Luật Thương mại so với sinh viên các khoa Luật khác. Vì năm đầu tiên các bạn cũng đều học những môn Luật đại cương như: Luật Hiến pháp, Lý luận Nhà nước & Pháp luật, Chủ nghĩa Mác, Logic học, Xã hội học, Tâm lý học, Luật Dân sự,... Từ năm thứ hai trở đi, khi các bạn bắt đầu vào chuyên ngành thì lúc đó mới có một số môn học đặc trưng riêng của khoa Thương mại nhưng nhìn chung tổng 4 năm học lại thì môn chuyên ngành là không nhiều.
Một số môn học phổ biến của Khoa Luật Thương mại như:
Luật Doanh nghiệp;
Luật Đầu tư;
Luật Chứng khoán;
Luật Cạnh tranh;
Luật Môi trường;
Luật Thuế;
Luật Kinh doanh bất động sản;
Pháp luật về Y tế và ATTP;
…
Khoa Luật Thương mại sẽ có một số môn đặc thù riêng nhưng nhìn chung thì kiến thức và chất lượng giảng dạy của các Khoa là tương đương nhau, tất cả các sinh viên của các Khoa đều được học những môn Luật đại cương và các môn luật quan trọng, chỉ khác nhau một số môn chuyên ngành nhưng số lượng môn chuyên ngành là không nhiều. Việc phân khoa chủ yếu phục vụ cho công tác giảng dạy và quản lý. À mà còn một vấn đề nữa là đề thi của các môn thương mại thường khó và điểm thì bao thấp :))) Ai không tin nộp hồ sơ học thử rồi biết ngay.
3. Cơ hội việc làm của sinh viên Khoa Luật Thương mại?
Sinh viên Khoa Luật Thương mại hay Khoa Luật khác thì khi tốt nghiệp trên tấm bằng cũng chỉ ghi là “CỬ NHÂN LUẬT”, do đó cơ hội việc giữa sinh viên các khoa là ngang nhau, quan trong là ở kiến thức, kỹ năng và thái độ của các bạn.
Trong thông tin tuyển dụng ở các cơ quan nhà nước như Tòa án, Viện Kiểm sát… thì thông thường sẽ yêu cầu trình độ Cử Nhân Luật trở lên, không phân biệt bạn học trường nào, ngành nào. Tuy nhiên trên thực tế khi các bạn ứng tuyển vào doanh nghiệp bên ngoài, đặc biệt là các công ty Luật chuyên về tư vấn, đầu tư thì sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Luật Thương mại sẽ được ưu tiên hơn hoặc một số nơi khác chuyên về tranh tụng thì sẽ ưu tiên sinh viên Khoa Luật Hình sự. Về vấn đề này mỗi doanh nghiệp khi tuyển dụng sẽ có một tiêu chí riêng, thậm chí có nơi còn không quan tâm bằng cấp bạn là gì chỉ cần làm được việc là người ta cũng nhận.
Trên đây là một chút chia sẻ của mình với tư cách là cựu sinh viên Khoa Luật Thương mại. Hy vọng thông tin sẽ hữu ích cho những bạn còn đang băn khoăn trong việc chọn khoa nào ở trường Luật. Cuối cùng thì mình chỉ muốn nhắn nhủ học Luật khoa nào cũng như nhau cả thôi, quan trọng cách các bạn học và chuẩn bị cho tương lai thế nào.
Không có gì là không thể.