Có được ủy quyền đại diện trong các thủ tục liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp không?

Chủ đề   RSS   
  • #607604 20/12/2023

    Hong312
    Top 75
    Lớp 6

    Vietnam --> Đăk Lăk
    Tham gia:05/05/2021
    Tổng số bài viết (853)
    Số điểm: 7307
    Cảm ơn: 7
    Được cảm ơn 135 lần


    Có được ủy quyền đại diện trong các thủ tục liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp không?

    Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

    Chủ thể nhận ủy quyền

    Đối với trường hợp chủ đơn là cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam thì người có tư cách đại diện theo ủy quyền cho cá nhân để thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền là: Cá nhân, tổ chức hoặc tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo Điều 138 Bộ luật Dân sự

    Chủ đơn là cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam có thể ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác không phải là tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp để thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền.

    Tuy nhiên hoạt động đại diện trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp phải tuân theo các quy định tại Điều 154 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, theo đó, chỉ có Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp đáp ứng các điều kiện quy định tại điều khoản này mới được hoạt động đại diện dưới hình thức kinh doanh dịch vụ.

    Phạm vi quyền của đại diện sở hữu công nghiệp

    Điều 152 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về phạm vi quyền của đại diện sở hữu công nghiệp như sau:

    - Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp chỉ được thực hiện các dịch vụ trong phạm vi được uỷ quyền và được phép uỷ quyền lại cho tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp khác, nếu được sự đồng ý bằng văn bản của người uỷ quyền.

    - Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp có quyền từ bỏ hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp nếu đã chuyển giao một cách hợp pháp công việc đại diện chưa hoàn tất cho tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp khác.

    Ủy quyền đại diện tiến hành các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp

    Theo Điều 5 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN việc ủy quyền đại diện, bao gồm cả việc ủy quyền lại và thực hiện ủy quyền đại diện tiến hành các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là “ủy quyền”) phải phù hợp với quy định pháp luật về ủy quyền của Bộ luật dân sự, Điều 107 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và hướng dẫn tại Thông tư 23/2023/TT-BKHCN.

    Người nộp đơn, người khiếu nại có thể thay đổi người đại diện (sau đây gọi là thay thế ủy quyền). Việc thay thế ủy quyền làm chấm dứt quan hệ ủy quyền giữa người nộp đơn, người khiếu nại với người đang được ủy quyền. Việc thay thế ủy quyền phải được người nộp đơn, người khiếu nại tuyên bố bằng văn bản (ngay trong văn bản ủy quyền hoặc văn bản riêng).

    Người được ủy quyền có thể ủy quyền lại cho người khác theo quy định của Bộ luật dân sự với điều kiện tổ chức, cá nhân được ủy quyền lại đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 4 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN. Việc ủy quyền lại chỉ được thực hiện sau khi ủy quyền ban đầu đã được Cục Sở hữu trí tuệ thừa nhận theo quy định tại khoản 2 Điều này.

    Thời điểm văn bản ủy quyền được thừa nhận trong giao dịch với Cục Sở hữu trí tuệ là ngày Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận văn bản ủy quyền hợp lệ. Đối với trường hợp thay thế ủy quyền hoặc ủy quyền lại hoặc sửa đổi về thông tin liên quan đến việc thay đổi phạm vi ủy quyền, chấm dứt ủy quyền trước thời hạn, thay đổi địa chỉ của bên được ủy quyền, thời điểm này là ngày Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận các tài liệu hợp lệ tương ứng.

    Trường hợp văn bản ủy quyền được nộp muộn hơn ngày nộp đơn nhưng trước ngày đơn được chấp nhận hợp lệ hoặc được thụ lý, Cục Sở hữu trí tuệ giao dịch với người tự xưng danh là đại diện cho người nộp đơn, người khiếu nại (trong tờ khai hoặc trong đơn khiếu nại) nhằm thực hiện thủ tục thẩm định hình thức để kết luận đơn hợp lệ hay không hợp lệ, được thụ lý hay không được thụ lý, bao gồm cả kết luận về tính hợp pháp về tư cách đại diện.

    Mọi giao dịch của bất kỳ bên được ủy quyền nào trong phạm vi ủy quyền tại bất kỳ thời điểm nào đều được coi là giao dịch nhân danh người nộp đơn, người khiếu nại, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người nộp đơn, người khiếu nại. Trong trường hợp thay thế ủy quyền hoặc ủy quyền lại, bên được thay thế ủy quyền hoặc bên được ủy quyền lại kế tục việc đại diện với mọi vấn đề phát sinh do bên được ủy quyền trước thực hiện trong giao dịch trước đó với Cục Sở hữu trí tuệ.

    Nếu văn bản ủy quyền có phạm vi ủy quyền gồm nhiều thủ tục độc lập với nhau và bản gốc văn bản ủy quyền đã nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ thì khi tiến hành các thủ tục tiếp theo, bên được ủy quyền phải nộp bản sao văn bản ủy quyền và có chỉ dẫn chính xác đến số đơn có bản gốc văn bản ủy quyền đó trong tờ khai hoặc tài liệu của thủ tục tiếp theo.

    Trường hợp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân không được phép đại diện hoặc ủy quyền cùng một lúc cho nhiều tổ chức, cá nhân trong đó có tổ chức, cá nhân không được phép đại diện thì đơn bị coi là không hợp lệ.

    Trên đây là một số quy định về ủy quyền đại diện tiến hành các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo Thông tư 23/2023/TT-BKHCN  có hiệu lực từ ngày 30/11/2023.

     

     
    81 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận