Tình huống phát sinh là doanh nghiệp có đăng ký mã số, mã vạch theo chuẩn của tổ chức mã số, mã vạch quốc tế GS1 và có tiền tố mã quốc gia Việt Nam “893”. Khi giao hàng hóa gia công thì đơn vị gia công có thể sử dụng mã số, mã vạch đó hay không?
Trách nhiệm của tổ chức sử dụng mã số, mã vạch
Liên quan vấn đề này, đối với tổ chức sử dụng mã số, mã vạch theo chuẩn của tổ chức mã số, mã vạch quốc tế GS1 và có tiền tố mã quốc gia Việt Nam “893” thì có các trách nhiệm được nêu tại Khoản 1 Điều 19b Văn bản hợp nhất 05/VBHN-BKHCN năm 2022 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành như sau:
- Đăng ký sử dụng mã số, mã vạch với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
- Tạo và gắn mã số, mã vạch cho các đối tượng thuộc quyền sở hữu của tổ chức theo quy định;
- Khai báo, cập nhật và cung cấp thông tin liên quan về tổ chức và các đối tượng sử dụng mã số, mã vạch với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các bên liên quan trong chuỗi cung ứng;
- Chịu trách nhiệm về tính đơn nhất của mã số, mã vạch khi sử dụng và không buôn bán sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng mã số, mã vạch theo quy định của pháp luật;
- Không bán, chuyển nhượng quyền sử dụng mã số, mã vạch cho tổ chức khác;
- Trường hợp ủy quyền cho đối tác liên doanh hoặc gia công, chế biến sử dụng mã số, mã vạch phải có văn bản ủy quyền;
- Nộp phí cấp và phí duy trì quyền sử dụng mã số, mã vạch theo quy định;
- Thực hiện đăng ký cấp mới hoặc cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch;
- Thông báo bằng văn bản và nộp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi tổ chức không có nhu cầu sử dụng mã số, mã vạch hoặc chấm dứt hoạt động.
Dựa theo nội dung trên, có thể thấy rằng trường hợp ủy quyền cho đối tác liên doanh hoặc gia công, chế biến sử dụng mã số, mã vạch phải có văn bản ủy quyền. Do đó, đơn vị đăng ký sử dụng mã số, mã vạch theo chuẩn của tổ chức mã số, mã vạch quốc tế GS1 và có tiền tố mã quốc gia Việt Nam “893” có thể ủy quyền cho đơn vị gia công sử dụng. Đơn vị gia công cần có văn bản để thể hiện quyền này của mình.
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch
Để thực hiện việc sử dụng và ủy quyền sử dụng mã số, mã vạch thì đơn vị trước tiên cần có Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch. Hồ sơ để thực hiện cấp được nêu tại Khoản 1 Điều 19c Văn bản hợp nhất 05/VBHN-BKHCN năm 2022 như sau:
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định thành lập.
Hình thức nộp hồ sơ: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện thủ tục mã số, mã vạch, lập 01 bộ hồ sơ tương ứng theo quy định tại khoản 1 Điều 19c Văn bản hợp nhất 05/VBHN-BKHCN năm 2022, nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới cơ quan thường trực về mã số, mã vạch. Trường hợp nộp trực tiếp thì phải có bản chính để đối chiếu. Trường hợp hồ sơ gửi qua bưu điện phải nộp bản sao được chứng thực hoặc bản sao y bản chính có ký tên, đóng dấu.
- Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thường trực về mã số, mã vạch thông báo cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ để sửa đổi, bổ sung;
- Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ và tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đóng các khoản phí theo quy định, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thường trực về mã số, mã vạch có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Mẫu số 14 Phụ lục kèm theo Văn bản hợp nhất 05/VBHN-BKHCN năm 2022;
- Thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận không quá 03 năm kể từ ngày cấp.