Có được tự ý chặt cây nhà hàng xóm khi cây sắp đổ qua nhà mình không?

Chủ đề   RSS   
  • #616156 09/09/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 494 lần


    Có được tự ý chặt cây nhà hàng xóm khi cây sắp đổ qua nhà mình không?

    Khi trời sắp mưa, bão, hay nhìn thấy cây cối của nhà hàng xóm trồng cạnh nhà mình sắp đổ qua thì có được tự ý chặt cây để tránh thiệt hại không? Nếu cây đổ vào nhà mình thì hàng xóm có đền không?

    Hàng xóm trồng cây cạnh ranh đất thì có vi phạm không?

    Theo ĐIều 175 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về ranh giới giữa các bất động sản như sau:

    - Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.

    Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.

    - Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.

    Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    Như vậy, mọi người được trồng cây trong khuôn viên đất thuộc quyền sở hữu của mình, tức là vẫn có thể trồng cây cạnh ranh đất nhưng phải đảm bảo kể cả cành cây, rễ cây hay bất cứ bộ phận nào của cây cũng phải nằm trong không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất.

    Có được tự ý chặt cây nhà hàng xóm khi cây sắp đổ qua nhà mình không?

    Theo khoản 1, khoản 2 Điều 177 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bảo đảm an toàn trong trường hợp cây cối, công trình có nguy cơ gây thiệt hại như sau:

    - Trường hợp cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu tài sản thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, chặt cây, sửa chữa hoặc dỡ bỏ công trình xây dựng đó theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu không tự nguyện thực hiện thì chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây, phá dỡ. Chi phí chặt cây, phá dỡ do chủ sở hữu cây cối, công trình xây dựng chịu.

    - Khi đào giếng, đào ao hoặc xây dựng công trình dưới mặt đất, chủ sở hữu công trình phải đào, xây cách mốc giới một khoảng cách do pháp luật về xây dựng quy định.

    Khi xây dựng công trình vệ sinh, kho chứa chất độc hại và các công trình khác mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường thì chủ sở hữu tài sản đó phải xây cách mốc giới một khoảng cách và ở vị trí hợp lý, phải bảo đảm vệ sinh, an toàn và không làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu bất động sản khác.

    Như vậy, trường hợp cây nhà hàng xóm sắp đổ qua nhà mình có nguy cơ gây thiệt hại thì không được tự ý chặt cây mà phải yêu cầu nhà hàng xóm dọn, chặt cây, nếu báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý.

    Cây nhà hàng xóm đổ gây thiệt hại thì nhà hàng xóm có phải đền không?

    Theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

    - Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

    - Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

    - Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.

    Theo Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.

    Đồng thời, khoản 3 Điều 177 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định trường hợp gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 177 Bộ luật Dân sự 2015 thì chủ sở hữu cây cối, công trình phải bồi thường.

    Như vậy, khi cây nhà hàng xóm đổ qua nhà mình gây thiệt hại thì người dân có quyền yêu cầu nhà hàng xóm bồi thường thiệt hại.

     
    195 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận