Trong thời đại số hóa như hiện, trên các nền tảng như Tiktok, Facebook thậm chí là Instagram có không ít các dược sĩ, người kinh doanh thuốc đăng bài, livestream quảng bá, bán thuốc.
Đông đảo người dân thắc mắc rằng liệu có được bán thuốc online trên nền tảng mạng xã hội không?
Hiện nay, sự phát triển của công nghệ thông tin đã thúc đẩy việc bán hàng qua mạng xã hội. Điều này mang lại nhiều tiện lợi nhưng cũng đặt ra thách thức lớn về quản lý, đặc biệt là đối với các sản phẩm cần kiểm soát chặt chẽ như thuốc, thực phẩm chức năng.
(1) Quyền của cơ sở kinh doanh dược
Các cơ sở kinh doanh dược có các quyền được quy định tại Điều 42 Luật Dược năm 2016 bao gồm:
- Thực hiện một, một số hoặc tất cả hoạt động kinh doanh dược nếu đáp ứng đủ điều kiện tương ứng với từng loại hình cơ sở kinh doanh theo quy định của Luật Dược năm 2016
- Hưởng chính sách ưu đãi khi thực hiện hoạt động kinh doanh dược theo quy định của pháp luật.
- Được thông tin, quảng cáo thuốc theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều trị cho bệnh nhân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Tổ chức cơ sở bán lẻ thuốc lưu động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, cơ sở kinh doanh dược theo quy định của pháp luật hiện hành có 05 quyền cơ bản và pháp luật không có quy định các cơ sở được quyền bán thuốc trên các nền tảng mạng xã hội.
(2) Có được bán thuốc online trên nền tảng mạng xã hội không?
Thuốc được xem là loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người.
Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 32 Luật Dược năm 2016 quy định về cơ sở bán lẻ thuốc như sau:
- Cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã, cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.
- Bên cạnh đó, cơ sở bán lẻ có trách nhiệm tư vấn trong phạm vi chuyên môn cho người sử dụng thuốc về các biện pháp xử lý khi có dấu hiệu bất thường trong quá trình sử dụng thuốc;
Ngoài ra muốn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tại Điều 33 Luật Dược năm 2016 bao gồm:
- Đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự theo khoản 1 Điều 33
- Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược và vị trí công việc quy định tại Điều 11 của Luật Dược năm 2016 phải có Chứng chỉ hành nghề dược phù hợp với cơ sở kinh doanh dược quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật Dược năm 2016
- Việc đánh giá đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự quy định tại khoản 1 Điều 32 được thực hiện 03 năm một lần hoặc đột xuất theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Như vậy, Luật Dược năm 2016 đã quy định về cơ sở bán thuốc lẻ cũng như các điều kiện để có thể cấp giấy chứng nhận kinh doanh. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại không có quy định về việc bán thuốc online.
Chính vì vậy, tại khoản 13 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã đề cập, bổ sung các quy định liên quan đến việc bán thuốc online như sau:
Các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược được phép kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử thông qua: Website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở; sàn giao dịch điện tử được cấp phép của ngành công thương (không được thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến). Cụ thể như sau:
+ Cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu, bán buôn thuốc được bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử đối với các thuốc thuộc phạm vi kinh doanh.
+ Cơ sở bán lẻ được bán thuốc thuộc danh mục của Bộ Y tế quy định được phép bán theo phương thức thương mại điện tử và phù hợp với phạm vi kinh doanh.
+ Được đăng thông tin về sản phẩm mà không phải xin xác nhận từ cơ quan quản lý, bao gồm: bao bì thương phẩm của thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo đúng nội dung thông tin về Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, nhãn thuốc đã được phê duyệt.
Ngoài các trách nhiệm quy định tại khoản 2 Điều 42, cơ sở kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử quy định tại điểm e khoản 1 Điều 42 có các trách nhiệm sau đây:
- Tuân thủ theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
- Bảo đảm bảo mật thông tin của người mua theo quy định của pháp luật về an ninh mạng.
- Đăng tải, cung cấp thông tin về giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của cơ sở, Giấy đăng ký lưu hành của thuốc, bao bì thương phẩm của thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo đúng nội dung thông tin về Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, nhãn thuốc đã được phê duyệt.
- Cơ sở bán lẻ thuốc phải tổ chức tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc trực tuyến cho người mua thuốc và tổ chức thực hiện hoạt động vận chuyển thuốc đến người mua theo quy định.
Tùy từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ điều chỉnh quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử đảm bảo phù hợp với thực tiễn.
Như vậy, so với Luật Dược năm 2016, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật dược đã nhanh chóng đưa việc kinh doanh thuốc online vào trong pháp luật.
Cụ thể, các cơ sở được phép kinh doanh thông qua: Website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở; sàn giao dịch điện tử được cấp phép của ngành nhưng không được thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến.
Tóm lại, theo dự thảo, các cơ sở kinh doanh có quyền kinh doanh thông qua: Website, ứng dụng bán hàng nhưng không được thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến cũng như phải có trách nhiệm đăng tải thông tin, hướng dẫn cách sử dụng thuốc trực tiếp cho người mua
Xem cập nhật mới nhất dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược
Bài được viết theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược lần 02: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/07/du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-duoc.docx