Căn cứ khoản 27 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020, phế liệu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm loại ra trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác.
Theo đó, tại Điều 71 Luật này nêu rõ:
1. Phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
2. Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở sản xuất của mình và phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:
a) Có cơ sở sản xuất với công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng, kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có phương án xử lý tạp chất đi kèm phù hợp với phế liệu nhập khẩu;
b) Có giấy phép môi trường;
c) Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 137 của Luật này trước thời điểm phế liệu được dỡ xuống cảng đối với trường hợp nhập khẩu qua cửa khẩu đường biển hoặc trước thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam đối với các trường hợp khác;
d) Có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Như vậy, dựa vào các quy định này, có thể thấy hiện nay nhà nước vẫn cho phép nhập khẩu phế liệu về Việt Nam để làm nguyên liệu sản xuất, tuy nhiên việc này pháp ứng các điều kiện về môi trường cũng như thuộc Danh mục đã ban hành.
Về Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, mọi người có thể xem chi tiết tại Quyết định 28/2020/QĐ-TTg và nội dung hướng dẫn cụ thể Điều 71 Luật Bảo vệ môi trường 2020 như trên tại Điều 45, Điều 46 Nghị định 08/2022/NĐ-CP.