Đối với nội dung câu hỏi bạn nêu trên, mình xin có một số ý kiến trao đổi như sau:
Thứ nhất, về quyền ly hôn
Tại Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Trừ trường hợp vợ đang mang thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền têu cầu ly hôn”
Theo Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”
Căn cứ quy định pháp luật trên và tình trạng của cha mẹ bạn thì mẹ bạn hoàn toàn có đủ cơ sở để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho ly hôn đơn phương.
Thứ hai, về thẩm quyền giải quyết ly hôn
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án
“Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;...”
Theo đó, Tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn là Tòa án nhân dân quận, huyện nơi cha của bạn đang cư trú hoặc làm việc.
Ngoài ra trong trường hợp bạn nêu trên có căn cứ khởi kiện hành vi ngoại tình đó là cha bạn đã có hành vi ngoại tình, chung sống với người phụ nữ khác tại thời điểm mà giữa mẹ bạn và cha bạn vẫn còn tồn tại quan hệ hôn nhân.
Theo Điểm c Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình có cấm hành vi: “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;…”
Dẫn chiếu vào sự việc của cha mẹ bạn, cha bạn đã có hành vi vi phạm pháp luật, mẹ bạn có thể khởi kiện hành vi này. Và cha bạn có thể bị xử phạt theo quy định dưới đây:
Theo quy định trường hợp xử phạt về vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng tại Khoản 1 Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
d) Kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
đ) Kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi;
e) Kết hôn giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.”
Do đó, theo Điểm b Khoản 1 Điều trên, cha bạn đang chung sống như vợ chồng với người phụ nữ khác, mẹ bạn có thể tố giác hành vi của cha bạn lên chính quyền địa phương thì cha bạn có thể bị xử phạt hành chính về hành vi này.
Hơn nữa, cha bạn có hành vi chung sống như vợ chồng với người khác mà gây hậu quả nghiêm trọng như:
-
Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
-
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;
-
Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
-
Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự năm 2015 về “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng”.
Thông tin trao đổi cùng bạn, hy vọng giải đáp được vường mắc của bạn!