Hiện nay, khi bị ốm đau thì người lao động có tham gia BHXH sẽ được chi trả chế độ ốm đau. Vậy ngoài chế độ trên thì có chế độ nào khác mà người lao động bị ốm đau được hưởng nguyên lương hay không?
Chế độ ốm đau của bảo hiểm xã hội
Theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động có tham gia đóng BHXH sẽ được hưởng chế độ ốm đau nếu đảm bảo các điều kiện:
- Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo thì không được hưởng chế độ ốm đau.
-Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Về thời gian hưởng thì tùy trường hợp người lao động ốm hay chăm con ốm mà có thời gian nghỉ hưởng khác nhau. Xem thêm quy định tại Điều 26, Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Về mức hưởng chế độ ốm đau như sau:
- Mức hưởng chế độ ốm đau tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
- Trường hợp người lao động nghỉ ốm dài ngày vẫn tiếp tục điều trị sau thời hạn 180 ngày thì mức hưởng sẽ được tính thấp hơn:
+ Đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên: Mức hưởng bằng 65% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
+ Đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm: Mức hưởng bằng 55% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
+ Đóng BHXH dưới 15 năm: Mức hưởng bằng 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Ngoài ra, sau thời gian nghỉ ốm đau mà khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Nghỉ ốm hưởng nguyên lương như thế nào?
Hiện nay trong quy định tại Bộ luật Lao động 2019 có nêu về các trường hợp được nghỉ hưởng nguyên lương như sau:
- Nghỉ hàng năm: Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động:
+ 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
+ 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
+ 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- Nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương và có thông báo cho người sử dụng lao động:
+ Nghỉ kết hôn: nghỉ 03 ngày;
+ Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
+ Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
Như vậy, trong các quy định tại Bộ luật lao động thì không có quy định nào về việc nghỉ ốm hưởng lương lương. Thực chất ở đây là trường hợp người lao động bị ốm nhưng thời gian đó không làm hồ sơ nghỉ hưởng BHXH mà xin nghỉ hàng năm.
Đồng thời tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành cũng nêu nếu như người lao động bị ốm đau trong thời gian nghỉ hàng năm thì sẽ không được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả chế độ ốm đau. Ở đây người lao động có thể nghỉ hưởng chế độ ốm đau còn thời gian nghỉ hàng năm có thể để nghỉ dịp khác, còn nếu như người lao động không muốn hưởng chế độ ốm đau mà muốn hưởng nguyên lương thì có thể chọn giải pháp thời gian đó xin nghỉ phép.