Danh hiệu Chiến sĩ thi đua là một trong những danh hiệu được xét tặng cho cá nhân có thành tích cao và có nhiều đóng góp. Vậy, có được dùng sáng kiến năm trước để xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua năm nay không?
Có được dùng sáng kiến năm trước để xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua năm nay không?
Theo khoản 1 Điều 5 Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 quy định việc thi đua được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
- Tự nguyện, tự giác, công khai, minh bạch;
- Đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển.
Đồng thời, theo Điều 23 Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 quy định danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:
- Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;
- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.
Như vậy, hiện hành không quy định là sáng kiến dùng để xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở bắt buộc phải là của năm xét tặng. Theo đó, nếu sáng kiến được cơ sở công nhận thì sẽ được dùng để xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Ngoài ra, người xét tặng có thể sử dụng các thành tích khác để xét tặng như hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đề tài/đề án/công trình khoa học và công nghệ,... chứ không bắt buộc phải có sáng kiến.
Ai có thẩm quyền quyết định việc xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở?
Theo Điều 80 Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 quy định về thẩm quyền của Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có tư cách pháp nhân thuộc Bộ, ban, ngành, tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác như sau:
- Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị có tư cách pháp nhân thuộc Bộ, ban, ngành, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tương đương quyết định tặng danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến” và giấy khen.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tặng danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa, “Tập thể lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến” và giấy khen.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, giấy khen và danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
- Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp, hợp tác xã quyết định tặng danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến” và giấy khen; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên quyết định tặng giấy khen.
- Thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu “Đơn vị tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và dân quân thường trực, dân quân tự vệ cơ động do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định.
Như vậy, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị có tư cách pháp nhân thuộc Bộ, ban, ngành, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tương đương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ là những người có thẩm quyền quyết định xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Mức tiền thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở hiện nay là bao nhiêu?
Theo điểm c khoản 1 Điều 54 Nghị định 98/2023/NĐ-CP quy định về mức tiền thưởng danh hiệu thi đua như sau:
- Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được tặng Bằng chứng nhận, khung, Huy hiệu, hộp dựng Huy hiệu và được thưởng 4,5 lần mức lương cơ sở;
- Danh hiệu Chiến sĩ thi đua bộ, ban, ngành, tỉnh được tặng Bằng chứng nhận, khung, Huy hiệu, hộp dựng Huy hiệu và được thưởng 3,0 lần mức lương cơ sở;
- Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được tặng Bằng chứng nhận, khung và được thưởng 1,0 lần mức lương cơ sở.
Theo Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định từ ngày 01/7/2024, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng.
Như vậy, hiện nay mức tiền thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở là 2 triệu 340 nghìn đồng kèm Bằng chứng nhận và khung.