Xã hội ngày càng phát triển; đáng buồn là tình trạng ly hôn cũng ngày càng gia tăng. Có một thực tế là sau khi ly hôn, vợ/chồng đều có mong muốn đổi họ cho con theo họ của mình. Vậy vấn đề này được pháp luật quy định ra sao?
Điều 27 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền thay đổi họ như sau:
1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:
a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;
…
2. Việc thay đổi họ cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
3. Việc thay đổi họ của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ.
Như vậy, có thể thấy pháp luật cho phép việc thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại; nếu người con trên 9 tuổi thì phải có sự đồng ý của người con đó.
Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về điều kiện, thay đổi cải chính hộ tịch nêu rõ:
1. Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó.
Có thể thấy, pháp luật không cấm việc điều chỉnh, thay đổi họ cho con; tuy nhiên, việc thay đổi họ cho người dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai. Như vậy, sau khi ly hôn, vợ/chồng vẫn có thể tiến hành đổi họ cho con theo họ của mình nhưng phải có sự đồng ý của người còn lại và đây được xem là yêu cầu bắt buộc.