Tại Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP có quy định như sau:
"Điều 6. Giá trị pháp lý của Giấy khai sinh
1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.
2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh."
Theo đó thì giấy khai sinh là hộ tịch gốc của cá nhân, các giấy tờ, hồ sơ khác của cá nhân đều phải khớp với thông tin trên giấy khai sinh. Do đó trường hợp sổ BHXH có thông tin về năm sinh không giống với giấy khai sinh bạn có thể thực hiện thủ tục điều chỉnh lại cho phù hợp nhé. Thủ tục cụ thể được quy định tại Điều 23 Quyết định 595/QĐ-BHXH. Theo đó bạn cần chuẩn bị hồ sơ như sau để gửi đến người sử dụng lao động để thực hiện điều chỉnh:
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
- Trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có) theo Phụ lục 03.
Sau đó người sử dụng lao động sẽ nộp hồ sơ như sau đến cơ quan BHXH:
- Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS).
- Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-TS).
- Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).