Có được chia nhỏ dự án để thực hiện đấu thầu?

Chủ đề   RSS   
  • #615829 30/08/2024

    Có được chia nhỏ dự án để thực hiện đấu thầu?

    Có được chia nhỏ dự án để thực hiện đấu thầu? Nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu? Căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án?

    Có được chia nhỏ dự án để thực hiện đấu thầu?

    Tại điểm l khoản 6 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 quy định Các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu:

    - Không bảo đảm công bằng, minh bạch bao gồm các hành vi sau đây:

    + Chia nhỏ dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu nhằm mục đích chỉ định thầu; chia dự án, dự toán mua sắm nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

    Như vậy, nếu việc chia nhỏ dự án nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu sẽ thuộc trường hợp bị cấm trong hoạt động đấu thầu.

    Nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu?

    Tại Điều 37 Luật Đấu thầu 2023 quy định Nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu

    - Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm. Đối với dự toán mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu có thể được lập trên cơ sở dự toán mua sắm của năm ngân sách và dự kiến dự toán mua sắm của các năm ngân sách tiếp theo. Trường hợp chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm thì lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một hoặc một số gói thầu để thực hiện trước.

    - Trường hợp gói thầu có thời gian thực hiện dài hơn 01 năm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ thời gian thực hiện gói thầu, giá gói thầu trên cơ sở toàn bộ thời gian thực hiện gói thầu.

    - Kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu.

    - Việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ của dự án, dự toán mua sắm và phù hợp với kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu được duyệt (nếu có).

    - Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập sau khi có dự toán mua sắm, quyết định phê duyệt dự án hoặc đồng thời với quá trình lập dự án, dự toán mua sắm hoặc trước khi có quyết định phê duyệt dự án đối với gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án.”

    Như vậy, khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần đảm bảo nguyên tắc nêu trên.

    Lưu ý:Trường hợp chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm thì lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một hoặc một số gói thầu để thực hiện trước. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu.

    Việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ của dự án, dự toán mua sắm và phù hợp với kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu được duyệt (nếu có).

    Căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án?

    Tại khoản 1 Điều 38 Luật Đấu thầu 2023 quy định Căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án như sau:

    - Quyết định phê duyệt dự án và tài liệu có liên quan, trừ trường hợp gói thầu cần thực hiện trước khi phê duyệt dự án. Đối với gói thầu cần thực hiện trước khi phê duyệt dự án thì căn cứ theo quyết định của người đứng đầu chủ đầu tư hoặc người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án trong trường hợp chưa xác định được chủ đầu tư;

    - Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu (nếu có);

    - Dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, trừ trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

    - Kế hoạch bố trí vốn thực hiện dự án hoặc nguồn vốn thực hiện dự án đối với dự án không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản này;

    - Điều ước quốc tế, thỏa thuận vay đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, trừ trường hợp đấu thầu trước quy định tại Điều 42 của Luật này;

    - Văn bản pháp lý có liên quan.

    Như vậy, để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án cần căn cứ các nội dung nêu trên.

     
    70 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận