Vừa qua, đại diện VKSND TP.Hà Nội cho rằng, việc phát hành 9 gói trái phiếu của tập đoàn Tân Hoàng Minh là trái pháp luật. Nhiều người bị hại trong vụ việc trên lo lắng mình không được bồi thường khi mua trái phiếu phát hành không đúng quy định pháp luật. Vậy có được bồi thường khi mua trái phiếu phát hành trái pháp luật không?
(1) Trái phiếu phát hành trái pháp luật là gì?
Trái phiếu được phát hành, chào bán trái pháp luật là các trái phiếu của doanh nghiệp phát hành không tuân thủ các điều kiện về chào bán trái phiếu theo quy định tại Điều 9 Nghị định 153/2020/NĐ-CP.
Xem thêm bài viết: Trái phiếu là gì? Có bao nhiêu loại và điều kiện phát hành trái phiếu năm 2024?
(2) Có được bồi thường khi mua trái phiếu phát hành sai pháp luật?
Căn cứ theo Điều 116 Bộ Luật Dân sự 2015, việc mua bán trái phiếu cũng có thể coi là một giao dịch dân sự, trái phiếu được doanh nghiệp phát hành sai với quy định pháp luật thì gói trái phiếu đó bị vô hiệu, dẫn đến việc các giao dịch dân sự mua bán trái phiếu đều vô hiệu.
Theo khoản 2 điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, khi giao dịch dân sự vô hiệu, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
Do đó, nếu Tòa án xác định giao dịch mua bán trái phiếu giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư là vô hiệu thì các bị cáo phải trả lại số tiền gốc đã bỏ ra để mua trái phiếu cho người mua trái phiếu.
Trong vụ việc Tân Hoàng Minh, các giao dịch được xác định là vô hiệu do có gian dối, khiến cho một bên bị xử lý hình sự, quyền và nghĩa vụ trong các giao dịch đó bị hủy bỏ, người phạm tội trong trường hợp này phải bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Thiệt hại của người bị hại trong vụ án hình sự có thể là số tiền mà bị cáo đã nhận của nạn nhân và thiệt hại khác phát sinh.
(3) Bao lâu thì người bị hại sẽ được nhận bồi thường?
Như vậy chúng ta đã biết được chắc chắn những người bị hại sẽ được bồi thường, trả lại số tiền đã đầu tư vào trái phiếu phát hành trái pháp luật.
Thời gian mà người bị hại được nhận lại tiền có hai trường hợp:
- Khi bị cáo hoặc người thân thích của bị cáo tự nguyện bồi thường, khắc phục thiệt hại cho người bị hại thì người bị hại có thể được nhận tài sản bồi thường ngay trong quá trình tố tụng.
- Trường hợp bị cáo không bồi thường trực tiếp cho người bị hại mà nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tố tụng thì phải chờ đến khi bản án có hiệu lực pháp luật. Lúc này, cơ quan thi hành án mới có quyền căn cứ vào nội dung của bản án để thi hành đối với phần dân sự trong bản án hình sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Việc thi hành án phụ thuộc vào lúc xác định được bị cáo phạm tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật, xác định bị cáo có gây thiệt hại cho người bị hại, xác định rõ phần trách nhiệm của từng bị cáo và xác định mức thiệt hại của từng người bị hại, khi đó mới có căn cứ để thi hành bản án, buộc người phạm tội phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho các nạn nhân.
Tùy vào việc bị cáo hoặc người nhà bị cáo muốn khắc phục hậu quả như thế nào thì người bị hại sẽ được nhận lại tiền ngay hoặc phải chờ đến khi vụ án được xét xử xong và khép lại thì mới có thể tiến hành bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.
Do đó chúng ta cần phải đánh giá kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều yếu tố trước khi quyết định đầu tư vào trái phiếu, tránh các sự việc đáng tiếc xảy ra.
viết: Trái phiếu là gì? Có bao nhiêu loại và điều kiện phát hành trái phiếu năm 2024?