Biện pháp khẩn cấp tạm thời là việc phải thực hiện cấp bách trong trường hợp cá nhân, doanh nghiệp xảy ra sự cố mà không thể chờ kết quả giải quyết của vụ kiện, qua đó nhằm giảm thiệt hại về người và của xuống mức thấp nhất.
Vậy đương sự có được yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng thời điểm khi gửi đơn yêu cầu khởi kiện đến tòa án để được giải quyết kịp thời?
1. Trường hợp nào được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời?
(1) Đối tượng có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng khẩn cấp tạm thời
Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời khi:
- Nhằm tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của đương sự.
- Để thu thập, bảo vệ chứng cứ của vụ án đang do Tòa án thụ lý, giải quyết trong trường hợp đương sự cản trở việc thu thập chứng cứ hoặc chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được.
- Để bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, tức là bảo toàn mối quan hệ, đối tượng có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết.
- Để bảo đảm việc giải quyết vụ án hoặc thi hành án, tức là làm cho chắc chắn các căn cứ để giải quyết vụ án, các điều kiện để khi bản án, quyết định của Tòa án được thi hành thì có đầy đủ điều kiện để thi hành án.
(2) Đối với vụ án có áp dụng khẩn cấp tạm thời
Đối với vụ án có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải theo dõi, xem xét về việc thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã áp dụng khi có một trong các căn cứ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều 138 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án mà có yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm xem xét, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
(3) Vụ việc dân sự sẽ không áp dụng khẩn cấp tạm thời
(4) Áp dụng khẩn cấp tạm thời đối với bản án của TAND nước ngoài
Trường hợp xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài mà người yêu cầu có đơn đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì TAND đang thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 438 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để giải quyết.
2. Có giải quyết áp dụng khẩn cấp tạm thời khi gửi đơn kiện?
Về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện quy định tại khoản 2 Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì đương sự có thể căn cứ vào Điều 3 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP quy định như sau:
Khi có một trong các căn cứ sau đây, đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời:
- Do tình thế khẩn cấp, tức là cần được giải quyết ngay, không chậm trễ.
- Cần bảo vệ ngay chứng cứ trong trường hợp nguồn chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được.
- Ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn khởi kiện và giải quyết vụ án theo quy định tại các điều 35, 36, 37, 38, 39 và 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Trường hợp đơn khởi kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác thì Tòa án đã nhận đơn khởi kiện chuyển ngay hồ sơ khởi kiện và đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp đơn khởi kiện đã có các nội dung để xác định việc thụ lý và giải quyết vụ án là thuộc thẩm quyền của Tòa án nhận đơn nhưng cần phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác.
Thì Tòa án thụ lý giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay theo quy định tại khoản 3 Điều 133 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và hướng dẫn tại Điều 11 Nghị quyết Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP.
Việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện và thụ lý vụ án được thực hiện theo quy định tại Điều 193 và Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Như vậy, Tòa án sẽ ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu đương sự gửi đơn kiện có yêu cầu thuộc các trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ trong trường hợp nguồn chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.