Vào cuối tháng 6/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2018/NĐ-CP về nghiệp vụ quản lý nợ công thay thế cho Nghị định 79/2010/NĐ-CP và Quyết định 56/2012/QĐ-TTg. Cụ thể, cơ chế quản lý việc huy động vốn vay được thực hiện như sau:
- Việc phát hành công cụ nợ trên thị trường trong nước phải đảm bảo:
+ Trong kế hoạch phát hành được cấp có thẩm quyền quyết định;
+ Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ phát hành công cụ nợ của Chính phủ hoặc ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước phát hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện phát hành trái phiếu chính quyền địa phương;
+ Tuân thủ quy định của pháp luật về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ trên thị trường chứng khoán.
- Việc phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế phải đảm bảo:
+ Có đề án phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế được Chính phủ phê duyệt;
+ Phù hợp với luật pháp tại thị trường phát hành;
+ Chỉ phát hành trái phiếu quốc tế để bù đắp bội chi ngân sách trung ương cho đầu tư phát triển theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, cơ cấu lại nợ của Chính phủ. Không phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ để cho vay lại.
- Việc vay vốn nước ngoài dưới hình thức thỏa thuận vay, hiệp định vay phải đảm bảo:
+ Chỉ vay cho đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên;
+ Các khoản vay mới phải được đánh giá về thành tố ưu đãi, tác động đến hạn mức vay nợ và chỉ tiêu an toàn nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công;
+ Đề xuất dự án phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định rõ cơ chế tài chính của chương trình, dự án sử dụng vốn vay (cấp phát, cho vay lại);
+ Việc đàm phán, ký kết hiệp định vay, thỏa thuận vay phải đảm bảo chương trình, dự án sử dụng vốn vay nước ngoài đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư. Trường hợp thỏa thuận vay, hiệp định vay là điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ trình Chủ tịch nước việc đàm phán, ký kết, phê chuẩn; trường hợp thỏa thuận vay, hiệp định vay nhân danh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chỉ đạo việc tổ chức đàm phán, ký kết.
- Đối với các khoản vay từ nguồn tài chính khác phải bảo đảm:
+ Được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Quản lý nợ công;
+ Hình thức vay theo quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc thỏa thuận vay;
+ Xác định rõ mức tiền vay, kỳ hạn, lãi suất, các khoản phí có liên quan đến khoản vay, phương thức trả nợ, thời hạn trả nợ, gia hạn nợ và phạt chậm trả (nếu có), quyền và trách nhiệm của các bên liên quan và các điều kiện, điều khoản khác có liên quan đến việc vay nợ.