Tổ chức và hoạt động của Hội đồng EPR quốc gia (sau đây gọi là Hội đồng), bao gồm: cơ cấu tổ chức của Hội đồng; nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng, các Phó Chủ tịch Hội đồng, Ủy viên thường trực Hội đồng và các Ủy viên Hội đồng; nguyên tắc hoạt động và phương thức làm việc của Hội đồng.
1. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng EPR quốc gia
Căn cứ Điều 2
Quyết định 2235/QĐ-BTNMT năm 2023 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng EPR quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ban hành:
- Hội đồng gồm có Chủ tịch Hội đồng, các Phó Chủ tịch Hội đồng, Ủy viên thường trực Hội đồng và các Ủy viên Hội đồng.
- Hội đồng có Văn phòng giúp việc đặt tại Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng giúp việc Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
- Ủy viên thường trực Hội đồng là Giám đốc Văn phòng giúp việc Hội đồng.
2. Nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng, các thành viên Hội đồng EPR quốc gia
Căn cứ Điều 3
Quyết định 2235/QĐ-BTNMT năm 2023 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng EPR quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ban hành:
- Hội đồng có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 252/QĐ-BTNMT ngày 14 tháng 02 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Hội đồng EPR quốc gia.
- Nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của thành viên Hội đồng:
+ Tham dự đầy đủ các phiên họp của Hội đồng khi được triệu tập; tham gia góp ý và biểu quyết tại các phiên họp Hội đồng. Trường hợp vắng mặt và ủy quyền cho người cùng cơ quan, tổ chức dự họp thì phải có báo cáo và ủy quyền bằng văn bản trước khi họp Hội đồng;
+ Chịu sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng hoặc người điều hành phiên họp tại các phiên họp Hội đồng; cho ý kiến nhận xét, biểu quyết thông qua bằng phiếu về các vấn đề liên quan trong thời hạn yêu cầu khi Hội đồng không tổ chức phiên họp;
+ Được cung cấp hồ sơ, tài liệu để nghiên cứu trước khi tham dự các phiên họp của Hội đồng hoặc để đưa ra ý kiến, biểu quyết thông qua bằng phiếu trong trường hợp Hội đồng không tổ chức phiên họp;
+ Chủ động đề xuất, kiến nghị với Chủ tịch Hội đồng về các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng.
+ Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Chủ tịch Hội đồng.
3. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng EPR quốc gia
Căn cứ Điều 7
Quyết định 2235/QĐ-BTNMT năm 2023 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng EPR quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ban hành:
- Hội đồng làm việc theo nguyên tắc thảo luận tập thể, công khai, biểu quyết và quyết định theo đa số; các ý kiến đưa ra Hội đồng chỉ được ghi thành nghị quyết khi có từ 2/3 (hai phần ba) trở lên tổng số thành viên Hội đồng biểu quyết đồng ý (kể cả thành viên vắng mặt có ý kiến đồng ý bằng văn bản).
- Phiên họp Hội đồng phải đảm bảo có từ 2/3 (hai phần ba) trở lên tổng số thành viên Hội đồng dự họp (tính cả thành viên vắng mặt có lý do nhưng có ý kiến góp ý bằng văn bản gửi đến Hội đồng trước phiên họp).
- Các thành viên Hội đồng có trách nhiệm tham gia đầy đủ các phiên họp của Hội đồng khi được triệu tập hoặc ủy quyền cho người làm việc cùng cơ quan, tổ chức dự họp và chịu trách nhiệm về ý kiến của người được ủy quyền. Ý kiến của người được ủy quyền dự họp có giá trị như ý kiến của thành viên Hội đồng đã ủy quyền.
- Hội đồng họp thường kỳ 2 (hai) lần một năm. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng quyết định việc triệu tập họp đột xuất hoặc tổ chức lấy ý kiến, biểu quyết thông qua bằng phiếu của các thành viên Hội đồng.
Trường hợp tổ chức lấy ý kiến, biểu quyết thông qua bằng phiếu phải đảm bảo có từ 2/3 (hai phần ba) trở lên tổng số thành viên Hội đồng gửi ý kiến, biểu quyết.
- Tài liệu phục vụ họp Hội đồng phải được chuyển đến các thành viên Hội đồng trước khi họp ít nhất là 07 (bảy) ngày; trường hợp phiên họp đột xuất, tài liệu được chuyển đến ít nhất là 05 (năm) ngày trước phiên họp. Các thành viên Hội đồng có trách nhiệm gửi ý kiến góp ý bằng văn bản đến Hội đồng trước phiên họp.