Claim là gì? Ý nghĩa của Claim trên TikTok? Coi tarot, đón nhận thông điệp có phải mê tín?

Chủ đề   RSS   
  • #608528 01/02/2024

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2153)
    Số điểm: 75129
    Cảm ơn: 63
    Được cảm ơn 1599 lần


    Claim là gì? Ý nghĩa của Claim trên TikTok? Coi tarot, đón nhận thông điệp có phải mê tín?

    Hiện nay TikTok là một nền tảng khá phổ biến đối với người dùng, không khó để bắt gặp các đoạn video xem bói online trên nền tảng này. Vậy các từ “claim” trong bình luận có ý nghĩa gì? Xem bói online có phải mê tín dị đoan? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.

    Claim là gì? Trên TikTok, Claim có nghĩa gì?

    Khi lướt TikTok đến những video xem bói tarot, chúng ta có thể thấy ở dưới phần bình luận rất nhiều tài khoản bình luận là Claim, vậy Claim là gì?

    Claim là một động từ trong tiếng Anh. Theo từ điển thì Claim được định nghĩa là yêu cầu, đòi hỏi, sự yêu sách, sự thỉnh cầu. Cấu trúc của cụm từ Claim trong tiếng anh như sau:

    - Cấu trúc 1: Claim + (that) something: nhận, đòi, xin lại cái gì.

    - Cấu trúc 2: Claim + to do something: khẳng định, tuyên bố làm cái gì.

    - Cấu trúc 3: Claim sb’s life: lấy đi mạng sống của ai đó.

    Tùy thuộc vào từng ngữ cảnh mà ta có thể xác định nghĩa của từ Claim là gì cũng như sử dụng chúng một cách chính xác nhất.

    Claim trong bài Tarot được hiểu là sự đón nhận năng lượng thích hợp từ vũ trụ. Chúng ta sẽ thường bắt gặp các cụm từ này ở các bài chia sẻ, kêu gọi hoặc quảng cáo. 

    Hay gần gũi nhất là bắt gặp trong các video coi bói tâm linh, người coi sẽ nói những thông điệp mà lá bài mang lại, nếu người xem muốn đón nhận thông điệp này thì bình luận “Claim” phía bên dưới. Hành động này hiện được rất nhiều bạn trẻ quan tâm và tin tưởng. Bởi chúng ta mong muốn đón nhận những thông điệp tốt lành và đẹp đẽ, vì thế hầu hết các video về coi bói tarot online thu hút được rất nhiều bạn trẻ cùng số lượng lớn bình luận.

    Thế nhưng, có những đối tượng đang lạm dụng quá mức việc mang đến nguồn năng lượng tích cực này để kiếm share, kiếm like trên lòng tin của người xem nhằm tăng tương tác.

    Ngoài ra, điều thú vị hơn mà chắc còn nhiều người chưa biết về từ “Claim”, theo đó, về mặt pháp lý, Claim còn được hiểu là Yêu cầu bồi thường (nghĩa dịch sang tiếng Việt). 

    Xem bói, coi tarot có vi phạm pháp luật?

    Theo Pháp luật Việt Nam, hiện nay pháp luật không có quy định nào cấm đối với hành vi coi bói nếu việc xem bói không nhằm mục đích trục lợi, không gây nên hậu quả xấu và không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội.

    Ngược lại, đối với hành vi lợi dụng bói toán vi phạm quy định để trục lợi bất chính sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, tùy thuộc vào mức độ và tính chất của hành vi vi phạm pháp luật mà chủ thể thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Tổ chức xem bói có thể bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?

    Khi việc xem bói biến tướng trở thành hành vi mê tín dị đoan với những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, thì hành vi mê tín dị đoan này được xem là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính. 

    Cụ thể căn cứ tại khoản 4 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP và khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP có quy định:

    - Hành vi tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội có thể bị phạt tiền từ 03-05 triệu đồng.

    - Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan có thể bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng.

    Như vậy, hành vi tổ chức xem bói nhằm mục đích xấu, trục lợi thì được xem như là hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan, cá nhân có thể bị phạt lên đến 20 triệu đồng.

    Đối với người tham gia cũng sẽ bị phạt, cao nhất có thể bị phạt tiền lên đến 05 triệu đồng.

    Lưu ý: Mức xử phạt này áp dụng đối với cá nhân, đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

    Truy cứu trách nhiệm hình sự

    Căn cứ Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định Tội hành nghề mê tín, dị đoan như sau:

    Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

    Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

    - Làm chết người;

    - Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên;

    - Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

    Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng.

     

     
    1125 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận