Hiện nay, tốc độ thành lập mới các doanh nghiệp gia tăng không ngừng. Nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng đến việc đăng ký giấy phép, nộp thuế..nói chung là đáp ứng các điều kiện thủ tục hành chính để doanh nghiệp đi vào hoạt động.
Thế nhưng, khi đã đi vào hoạt động rồi, nhiều doanh nghiệp lại không để ý đến một số vấn đề như tập huấn phòng cháy chữa cháy, giáo dục vệ sinh an toàn lao động, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên…
Nhiều doanh nghiệp thường bỏ qua những chuyện nhỏ nhặt này, nhưng nếu không thực hiện, rất có thể bị xử phạt hành chính và số tiền sẽ là không nhỏ khi có đoàn thanh tra lao động đến kiểm tra đột xuất.
Dưới đây là 1 số lưu ý cho các doanh nghiệp:
1. Tổ chức tập huấn và trang bị thiết bị phòng cháy, chữa cháy
Căn cứ pháp lý:
- Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi.
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
|
Các doanh nghiệp có từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên và các cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm có nguy cơ cháy nổ (xem chi tiết tại Nghị định 79/2014/NĐ-CP) phải tổ chức huấn luyện công tác phòng cháy, chữa cháy cho người lao động.
Đồng thời, phải đảm bảo trang bị các thiết bị sau:
- Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hay biển chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở.
- Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trong cơ sở.
- Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
- Có quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
- Có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
- Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.
- Có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với công trình quy định.
- Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Bộ Công an.
Người sử dụng lao động không tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy theo quy định cho người lao động có thể bị phạt tiền từ 1.5 – 3 triệu đồng.
|
2. Tổ chức huấn luyện vệ sinh, an toàn lao động
Căn cứ pháp lý:
- Thông tư 27/2013/TT-BLĐTBXH quy định về công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động.
- Nghị định 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
|
(Lưu ý: chỉ nêu việc tổ chức huấn luyện cho người lao động)
Người lao động bao gồm người lao động Việt Nam, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và người học nghề, tập nghề, thử việc để làm việc cho người sử dụng lao động.
Huấn luyện vệ sinh, an toàn lao động phải bảo đảm đủ các nội dung sau:
- Kiến thức chung về an toàn lao động, vệ sinh lao động (huấn luyện tập trung).
- Yêu cầu về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Thời gian huấn luyện ít nhất là 16 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra.
Sau khi có kết quả huấn luyện, kết quả này được ghi vào sổ theo dõi công tác huấn luyện tại doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp phải tổ chức huấn luyện vệ sinh, an toàn lao động định kỳ cho người lao động ít nhất mỗi năm 01 lần. Đồng thời, thời gian huấn luyện định kỳ bằng ½ thời gian huấn luyện lần đầu.
Người sử dụng lao động không tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động sẽ bị phạt tiền từ 1 – 20 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm.
|
3. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ
Người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động ít nhất mỗi năm 01 lần.
Căn cứ pháp lý:
- Thông tư 09/2000/TT-BYT hướng dẫn việc chăm sóc sức khoẻ người lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Thông tư liên tịch 01/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác an toàn - vệ sinh lao động trong cơ sở lao động.
- Nghị định 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
|
Việc tổ chức khám phải gọn nhẹ, không nhất thiết phải đầy đủ các chuyên khoa nhưng phải có các chuyên khoa cần thiết để có thể chẩn đoán được bệnh nghề nghiệp.
Hồ sơ khám sức khoẻ định kỳ theo mẫu quy định tại Thông tư này (Phụ lục số 3 – kèm theo Thông tư 09/2000/TT-BYT)
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải tổ chức khám phân loại sức khỏe ít nhất 03 năm 01 lần (nghĩa là khám toàn diện các chuyên khoa để đánh giá, phân loại sức khỏe của người lao động của toàn doanh nghiệp), doanh nghiệp có điều kiện có thể kết hợp tổ chức khám định kỳ và phân loại sức khỏe hàng năm.
Một số lưu ý cho các doanh nghiệp đặc thù:
- Các doanh nghiệp có môi trường lao động nặng nhọc độc hại, ngoài việc phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ còn phải tổ chức khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp.
- Các doanh nghiệp có sử dụng số lao động trực tiếp từ 500 – 1.000 người thì phải có ít nhất 01 nhân viên y tế có trình độ trung học chuyên ngành y. Riêng các doanh nghiệp có trên 1.000 người cùng làm việc trên địa bàn thì phải tổ chức trạm y tế hoặc phòng, ban y tế có ít nhất 01 y sĩ hay 01 bác sỹ đa khoa.
Việc không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định, người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng.
|