Khi thực hiện chuyển kho chứa hàng hóa, nơi lưu giữ nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm xuất khẩu thì có phải thông báo cho cơ quan hải quan hay không.
1. Thủ tục chuyển kho hàng
Căn cứ tại điểm a khoản 1 Điều 56 Thông tư 38/2015/TT-BTC và được sửa đổi bởi Khoản 36 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC quy định về Thông báo cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu; nơi lưu giữ nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm xuất khẩu; hợp đồng, phụ lục hợp đồng gia công như sau:
- Trường hợp thông tin về cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu đã thông báo có sự thay đổi thì tổ chức cá nhân phải thông báo bổ sung thông tin thay đổi cho Chi cục Hải quan quản lý thông qua Hệ thống theo mẫu số 20 Phụ lục II hoặc theo mẫu số 12/TB-CSSX/GSQL Phụ lục V ban hành kèm Thông tư này chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thay đổi;
- Trường hợp lưu giữ nguyên liệu, vật tư, sản phẩm ngoài cơ sở sản xuất thì trước khi đưa nguyên liệu, vật tư, sản phẩm đến địa điểm lưu giữ, tổ chức, cá nhân phải thông báo địa điểm lưu giữ cho Chi cục Hải quan quản lý thông qua Hệ thống theo mẫu số 20 Phụ lục II hoặc theo mẫu số 12/TB-CSSX/GSQL Phụ lục V ban hành kèm Thông tư này.
Theo đó, trường hợp thay đổi địa chỉ cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu hoặc lưu giữ nguyên liệu, vật tư, sản phẩm ngoài cơ sở sản xuất thì cần thực hiện thông báo đến cơ quan hải quan theo quy định nêu trên.
Ngoài ra, tại cơ sở mới có cần đảm thêm các quy định về đăng ký địa điểm kinh doanh, chi nhánh, điều kiện về PCCC,…
2. Khi kiểm tra cơ sở sản xuất, hải quan có quy định nơi lưu trữ phải có chứng nhận PCCC không?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 57 Thông tư 38/2015/TT-BTC và được sửa đổi bởi Khoản 37 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC quy định về nội dung kiểm tra đối với kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu; năng lực gia công, sản xuất bao gồm:
- Kiểm tra địa chỉ cơ sở gia công, sản xuất: kiểm tra địa chỉ cơ sở gia công, sản xuất ghi trong văn bản thông báo cơ sở gia công, sản xuất hoặc ghi trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Kiểm tra nhà xưởng, máy móc, thiết bị:
+ Kiểm tra chứng từ chứng minh quyền sử dụng hợp pháp về nhà xưởng, mặt bằng sản xuất; kho, bãi chứa nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị;
+ Kiểm tra quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp đối với máy móc thiết bị, số lượng máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện có tại cơ sở gia công, sản xuất; kiểm tra tình trạng hoạt động, công suất của máy móc, thiết bị.
Khi tiến hành kiểm tra, cơ quan hải quan kiểm tra các tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu (trường hợp nhập khẩu); hoá đơn, chứng từ mua máy móc, thiết bị hoặc đối chiếu sổ kế toán để xác định (trường hợp mua trong nước); hợp đồng thuê tài chính (trường hợp thuê tài chính); hợp đồng thuê tài sản, nhà xưởng (trường hợp đi thuê). Đối với hợp đồng thuê tài chính, hợp đồng thuê tài sản, nhà xưởng thì thời hạn hiệu lực của hợp đồng thuê bằng hoặc kéo dài hơn thời hạn hiệu lực của hợp đồng xuất khẩu sản phẩm;
- Kiểm tra tình trạng nhân lực tham gia dây chuyền sản xuất thông qua hợp đồng ký với người lao động hoặc bảng lương trả cho người lao động;
- Kiểm tra thông qua Hệ thống sổ sách kế toán theo dõi kho hoặc phần mềm quản lý hàng hóa nhập, xuất, tồn kho lượng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị.
Theo đó, nội dung kiểm tra của hải quan nêu trên không bao gồm nội dung kiểm tra về phòng cháy chữa cháy.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng: Việc kiểm tra PCCC được thực hiện theo quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
Trường hợp nếu cơ sở của Chị thuộc đối tượng nguy hiểm có khả năng cháy, nổ nhưng không đảm bảo điều kiện theo quy định thì cơ quan hải quan có thể thông báo đến cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc kiểm tra.
Theo đó, khi chuyển kho hàng chứa nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm xuất khẩu thì cần phải đảm bảo việc thông báo cơ quan hải quan trong thời hạn quy định.