Vấn đề chuyển đổi giới tính là một chủ đề khó khi sửa đổi Bộ luật dân sự (BLDS), cuối cùng BLDS 2015 đã theo hướng việc chuyển đổi giới tính là cho phép nhưng với điều kiện là theo quy định của Luật (sẽ được ban hành trong tương lai). Cụ thể, theo Điều 37 BLDS, “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Có thể thấy BLDS 2015 dừng lại ở quyền nhân thân để xác định tư cách của cá nhân khi tham gia các quan hệ dân sự, tạo sự minh bạch về quyền nhân thân, tài sản, giao dịch,... trong các quan hệ dân sự. Điều này được xem là bước đi lớn của pháp luật nhằm tạo ràn pháp lý ngăn chặn hành vi phân biệt đối xử với người chuyển giới, bảo đảm cho họ có địa vị pháp lý bình đẳng như cá nhân khác. Đây là điều vui mừng cho cộng đồng LGBT cũng như toàn xã hội, bởi quyền được sống thật với giới tính của mình, được xã hội cộng nhận, đối xử công bằng, văn minh cũng là quyền con người quyền công dân được pháp luật bảo vệ.
Cần lưu tâm về các trường hợp:
Nếu chuyển đổi giới tính theo trào lưu (như để bán dâm) thì không nên chấp nhận, còn nếu sinh ra là nam nhưng tâm lý là nữ hay ngược lại thì nên cho chuyển đổi giới tính. Trên thực tế, việc để xác định đâu là lí do chuyển giới của người muốn chuyển cũng khá khó khăn cho cơ quan chức năng.
Nếu số lượng người chuyển đổi giới tính tăng quá cao, nhất định sẽ ảnh hưởng đến dân số nước nhà, làm thay đổi cơ cấu dân số, ảnh hưởng kinh tế..
Nếu sử dụng phẫu thuật và hormone để chuyển giới, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe thể chất của người muốn chuyển giới. Đồng thời, người chuyển giới sẽ phải chịu đựng những vấn đề về sức khỏe tâm thần nếu họ không có tâm lý ổn định. Sự phân biệt đối xử và những xung đột nội giới mà nhiều người chuyển giới phải chịu đựng có thể đẩy họ vào tình trạng có nguy cơ cao về những vấn đề sức khỏe tâm thần. Họ rất cần được xã hội cảm thông, chia sẻ.
Để quyền này được thực hiện trên thực tế, có rất nhiều việc phải được làm, chẳng hạn như: (i) độ tuổi của người được thực hiện việc chuyển đổi giới tính, (ii) trình tự thủ tục thực hiện quyền chuyển đổi giới tính. Theo pháp luật một số nước, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, liệu trình điều trị hormone… là những bước bắt buộc thực hiện đối với người có mong muốn chuyển đổi giới tính trước khi việc chuyển đổi giới tính được thực hiện. Trong một số trường hợp, một người đã tiến hành chuyển từ nữ thành nam, nhưng sau đó lại muốn chuyển từ nam thành nữ thì có được chấp nhận không… Tất cả các vấn đề trên cần phải được các nhà làm luật của Việt Nam cân nhắc, xem xét một cách thấu đáo để đưa ra hướng dẫn một cách chu đáo, vì đây là một luật định khá nhạy cảm và quan trọng.
Ngoài ra, một khi việc chuyển đổi giới tính được thực hiện thì các vấn đề khác có liên quan cũng phát sinh khi cá nhân thực hiện quyền chuyển đổi giới tính, chẳng hạn như các vấn đề về hộ tịch, lao động, bảo hiểm xã hội… Các hướng dẫn thi hành của điều luật này phải có sự liên kết chặt chẽ với các quy định của các luật, bộ luật khác có liên quan để đảm bảo quyền chuyển đổi giới tính của cá nhân được thực hiện một cách trọn vẹn, cụ thể.