Kỹ thuật viên, Kỹ sư ngành khoa học, công nghệ là những chức danh nghề nghiệp viên chức cùng nhóm chức danh công nghệ theo quy định pháp luật. Vậy quy định hiện nay thì Kỹ thuật viên có thể xét thăng hạng lên Kỹ sư được không?
Chức danh công nghệ Kỹ thuật viên có thể thăng hạng lên Kỹ sư không?
Căn cứ theo điểm c, điểm d khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ, Kỹ thuật viên và Kỹ sư đều là chức danh công nghệ.
- Kỹ sư (hạng III), mã số: V.05.02.07
- Kỹ thuật viên (hạng IV), mã số: V.05.02.08
Theo khoản 3 Điều 10 Thông tư liên tịch 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV, được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Thông tư 01/2020/TT-BKHCN, được sửa đổi bổ sung bởi khoản 14 Điều 1 Thông tư 14/2022/TT-BKHCN có quy định về tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của Kỹ sư hạng III như sau:
- Nắm được đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, phương hướng, nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ của ngành và đơn vị; tình hình kinh tế - xã hội nói chung và những thành tựu, xu hướng phát triển khoa học và công nghệ, những tiến bộ khoa học và công nghệ quan trọng trong nước và thế giới liên quan đến ngành và đơn vị.
- Nắm chắc nội dung, nghiệp vụ quản lý và phương pháp tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại đơn vị. Nắm chắc các đối tượng tác động của khoa học và công nghệ trong phạm vi hoạt động, các quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động.
- Có năng lực chủ trì tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc dự án, công trình, đồ án cấp III thuộc chuyên ngành kỹ thuật.
Trong thời gian giữ chức danh kỹ sư (hạng III), chủ nhiệm ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở được nghiệm thu ở mức đạt trở lên; hoặc làm giám đốc quản lý, chủ trì ít nhất 01 dự án, công trình, đồ án cấp III thuộc chuyên ngành kỹ thuật, được hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả; hoặc làm chủ nhiệm, chủ trì thiết kế ít nhất 01 dự án, công trình cấp III được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
- Viên chức thăng hạng từ kỹ thuật viên (hạng IV) lên kỹ sư (hạng III) phải có thời gian giữ chức danh kỹ thuật viên (hạng IV) hoặc tương đương tối thiểu đủ 03 năm. Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh kỹ thuật viên (hạng IV) tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Như vậy, theo quy định thì Kỹ thuật viên hạng IV có thể thăng hạng lên Kỹ sư hạng III với điều kiện là có thời gian giữ chức danh Kỹ thuật viên hạng IV hoặc tương đương tối thiểu đủ 03 năm. Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh Kỹ thuật viên hạng IV tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Ngoài ra Kỹ thuật viên hạng IV khi thăng hạng lên Kỹ sư hạng III thì phải đáp ứng được các tiêu chuẩn của chức danh Kỹ sư hạng III được quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch 24 này.
Hệ số lương của Kỹ thuật viên hạng IV và Kỹ sư hạng III ngành công nghệ hiện nay là gì?
Căn cứ theo điểm c, điểm d khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-BKHCN-BNV hướng dẫn thực hiện việc bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ, theo đó:
Các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ quy định tại Thông tư liên tịch 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Chức danh nghề nghiệp Kỹ sư hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
- Chức danh nghề nghiệp Kỹ thuật viên hạng IV được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.